Thuở khai thiên lập địa, đàn ông chứ không phải đàn bà xuất hiện đầu tiên. Thượng Đế là đàn ông, không phải vậy thì sao người ta gọi là "ông trời" mà không phải "bà trời"? Nói theo Kinh Cựu ước của Ky-tô giáo, Adam, người đàn ông có mặt đầu tiên trong vườn Eden. Thấy anh chàng này buồn bã, Thượng Đế rủ lòng thương, bèn tạo thêm một người nữ tên Eva bằng cái xương sườn của người đàn ông kia. Có lẽ, chính quan điểm về sự xuất hiện của đàn bà từ sự vay mượn của đàn ông, nên họ phải "trả nợ" , cả ngàn đời nhân sinh, họ luôn phải "phụ thuộc" đàn ông.
Trong lịch sử con người, nói gần hơn là ở châu Á, ảnh hưởng Nho giáo vẫn không dứt, phụ nữ luôn ở "chiếu dưới". Theo Khổng Tử, "phụ nhân nan hóa" hoặc "người quân tử nên xa nơi bếp núc" (ý nói chuyện nấu ă là của đàn bà).
Người phụ nữ bị gọi là "đàn bà", hai từ này tưởng bình đẳng như "đàn ông" nhưng không phải. Khi dùng để dè bỉu, khinh dễ, đàn ông hay văng ra câu: "Đàn bà tiểu không qua ngọn cỏ". Ngày xưa, phụ nữ chịu lép vế không ít. Người chồng sẽ không để vợ nấu cơm nếu biết ngày đó vợ mình bị hành kinh. Đàn bà không được phép đi lên nhà "trên" nơi có bàn thờ gia tiên, dù "nhà trên" có lồng chim hoặc có chỗ con chó mực hay nằm.
Bây giờ, đàn bà hưởng rất nhiều quyền lợi, ngày càng ngang ngửa với đàn ông. Nhưng họ có thật sự bình đẳng với đàn ông? Hẳn là không. Phụ nữ còn phải lo sinh đẻ. Gần như tất cả các bữa ăn trong gia đình Việt đều có bàn tay của người phụ nữ; không bà thì mẹ, không mẹ thì vợ, không vợ thì em, chị (gái), thậm chí là con gái, có em còn rất nhỏ tuổi.
Đàn ông ăn cơm xong thường nhảy lên sofa ngồi xỉa răng, hút thuốc, xem thời sự, còn gọi nước trà nóng để uống. Còn những việc lỉnh kỉnh của chén bát, nồi niêu soong chảo, đàn bà đều quán xuyến. Người ta xem cái việc nhỏ nhặt nhưng hằng ngày này là chuyện thường tình - "chuyện của đàn bà".
>> Phụ nữ Việt trong vòng xoáy trách nhiệm, phụ thuộc, hy sinh
Có phụ nữ nào muốn vùng lên không? Có, rất nhiều là khác. Nhưng khi muốn vùng lên, họ lại lo sợ sẽ bị đè xuống, bởi những đức chồng, những người đàn ông vai u thịt bắp. Lo sợ một phần, phần khác là suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của phụ nữ: đã làm mẹ, làm vợ thì phải hy sinh cho chồng, cho con, có khi còn cho cả "gia nương" nhà chồng. Những người đàn ông hiểu thấu sẽ yêu thương phụ nữ, đỡ đần cho vợ. Nhưng có mấy ai như thế? Chưa có thống kê cụ thể nhưng tôi tin chắc rằng không nhiều.
An phận là thói quen lâu ngày trở thành thuộc tính của phụ nữ. Những việc tầm thường trong sinh hoạt hằng ngày, người phụ nữ cứ nghĩ đó là nhiệm vụ tự nhiên của họ. Bà nội, bà ngoại, mẹ, chị của họ từng làm những việc tầm thường như rửa chén, quét nhà, giặt giũ, đi chợ, cơm nước... từ bao đời nay. Giờ đến họ tiếp tục "truyền thống" ấy là chuyện đương nhiên.
Khi yêu nhau, lời lẽ đường mật của đàn ông luôn luôn làm phụ nữ sung sướng đến nao lòng. Nhưng khi câu "em ơi" yêu thương trở thành "bà kia" đầy tính gia trưởng, người phụ nữ vẫn cho mình là phận đàn bà. Họ cho hình ảnh quỳ gối tỏ tình của đàn ông như là một kỷ niệm thiêng liêng mà không hề nghĩ rằng đó là báo hiệu viễn cảnh chính họ trong tương lai sẽ phải "quỳ gối" cả cuộc đời mình.
Có cần tuyên dương ngày 8/3 hay không? Tôi thấy không. Người mẹ, người vợ, người yêu trông mong đến ngày "phụ nữ" để được quý trọng, mà quên rằng cả năm họ cũng xứng đáng được như vậy. Phụ nữ trông chờ vào đàn ông tuyên dương họ. Nếu đây là suy nghĩ của phụ nữ, tôi cho rằng đó là một suy nghĩ sai lầm. Phụ nữ hãy tự "tuyên dương" chính mình.
Phụ nữ cần chú ý đến sức khỏe bên cạnh sắc đẹp. Để khi làm một việc gì đòi hỏi sức khỏe, họ không cần đến sức mạnh của đàn ông. Có sắc đẹp để giữ đàn ông không bằng có sức khỏe để thu hút họ. Ngoại trừ bênh tật, không đàn ông nào thích thú có một phụ nữ gương mặt như hoa nhưng thân hình như cây sậy. Ngày xưa, phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn đàn ông vì họ không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc nơi đồng áng. Bây giờ khác rồi.
>> 'Phụ nữ ngại đẻ vì đàn ông không biết hy sinh'
Tuyên dương mình, người phụ nữ không phải tự mua hoa, mua quà cho mình, chỉ một ngày 8/3, không cần đàn ông. Hãy tự tuyên dương bằng sự nỗ lực, bất cứ ngày nào muốn, phụ nữ cũng có thể sắm những gì mình yêu thích mà không phải ngửa tay chờ sự hào hiệp của đàn ông. Tôi muốn nói đến sự tự lập về tài chính, nói to tát hơn, không phụ thuộc về kinh tế vào chồng. "Anh làm ra ba đồng, tôi cũng làm ra như anh, tuy tiền có thể ít hơn" là cơ sở để phụ nữ giải phóng lấy mình. Tất nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi đàn ông và đàn bà còn tuổi làm việc.
Tự tuyên dương mình, phụ nữ hãy tuyên dương trí tuệ. Hãy đạp xuống đất câu nói của đàn ông hay viện dẫn: "Đàn bà tiểu không qua ngọn cỏ". Khi có hiểu biết nhất định, không phải "đợi tôi hỏi ý chồng", người phụ nữ mới có cơ hội tự giải thoát mình. Và điều này rất rõ, bất cứ người đàn ông nào cũng yêu thích người phụ nữ có hiểu biết bằng họ hay cao hơn họ. Phụ nữ không nhất thiết phải đến trường mới có điều kiện nâng cao tri thức. Khi một đứa con tin tưởng mẹ cũng như cha về các vấn đề chúng cần giải thích, khi ấy cái gia đình đó sẽ vô cùng hạnh phúc: sự hiểu biết là điều kiện để thật sự yêu thương.
Phận gái "mười hai bến nước". Câu này ngày nay còn đúng không? Tôi nghĩ nó vẫn còn giá trị nhưng chưa phải đúng. Nếu phụ nữ không tự tạo cho mình những kỹ năng sống, kiến thức làm mẹ, làm vợ, làm việc trong xã hội, thì không phải "mười hai bến nước" đâu; có khi là "hai mươi bến nước" không chừng: sự chọn lựa bến nào sẽ vô cùng bối rối.
Có người nói "hôn nhân là sự may rủi". Tôi lại nghĩ có may rủi thật nhưng chúng ta có quyền chọn lựa may hay rủi bằng sự cảm nhận đầu tiên khi tìm "nửa kia". Ngày 8/3, có thể cô gái sẽ được nhận một chiếc xe hơi làm quà tặng. Nhưng nếu ngoài ngày ấy, người tình lý tưởng kia không cho thấy sự chân thành, tôi cam đoan, người đàn ông này chỉ chú ý thân hình đẹp của người phụ nữ mà không để ý trái tim của nàng có thế nào hay không? Mười hai bến nước là có thật nhưng sự lựa chọn chỉ có một và tôi đoán chắc người phụ nữ chân thành sẽ tìm ra cho mình một bến trong mà không vướng vào bến đục (nếu yêu nhau bằng cả con mắt và trái tim).
>> Phụ nữ hiện đại có cần làm việc nhà?
Dù sao, ngày 8/3 vẫn được người Việt coi trọng. Dẫu biết rằng, người phụ nữ chưa phải bình đẳng hoàn toàn với nam giới do khác biệt cơ thể và nhiệm vụ truyền giống. Họ vẫn còn phải chịu đựng nhiều, không phải chỉ công việc nội trợ hằng ngày hay chuyện làm vợ, làm mẹ, mà còn phải chấp nhận một nền luân lý cổ hủ: trọng nam khinh nữ, "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một nam kể như có, mười nữ cũng như không).
Có phụ nữ nào được quyền không sinh con? Có phụ nữ nào được quyết định giới tính của đứa con sắp chào đời của mình? Tâm lý đè nặng nếu phụ nữ sinh con một bề, nhất là toàn bề nữ. "Nhất nam" là niềm hãnh diện, "thập nữ" là nỗi lo âu. Sức ép "truyền thống" sẽ đè nặng lên vai người phụ nữ nếu chẳng may họ không có con "nối dõi tông đường".
Các chị em phụ nữ có hoàn cảnh này, xin hãy mạnh mẽ. Đây là sự bất công có thể là lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Hãy nhìn những người tu hành, họ không sinh con (chưa nói trai gái), vậy họ bất hạnh lắm sao? Cuộc sống rồi cũng trôi đi, có con hay không, con trai hay con gái, là chuyện nhân gian. 60 năm cuộc đời (không kể thời gian chưa trưởng thành) được là bao, tại sao chúng ta lại để tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ấy đè bẹp cuộc đời mình? Hãy xóa ngay cái quan niệm dốt nát mà bất nhân: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (bất hiếu ba tội, không con lớn nhất).
Và, cuối cùng, phụ nữ có quyền "bình đẳng" hưởng thụ cái mà đàn ông coi như đương nhiên "năm thê bảy thiếp" ngày xưa, và nay đã biến tướng dưới hình thức bia ôm, karaoke, massage đèn mờ...? Tôi xin không có thêm ý kiến về vấn đề này và nhường kết luận lại cho các bạn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.