Đồng cảm với câu chuyện "Nếu đàn ông khóc", nhiều độc giả VnExpress cho rằng chính định kiến xã hội khiến gánh nặng trên vai người đàn ông Việt ngày một đè nặng hơn:
Do nếp nghĩ của xã hội của châu Á khiến đàn ông buộc phải gồng mình lên để không bị đánh giá. Nếu con người thay đổi tư duy về đàn ông thì mọi chuyện sẽ khác. Bạn tôi đi du học Aupair ở Mỹ, gia đình người hướng dẫn của bạn có vợ làm bác sĩ lo kinh tế, chồng làm giáo viên lương thấp hơn, nên khi sinh bé thứ ba, chồng nghỉ luôn ở nhà chăm con, cuộc sống vẫn rất vui vẻ, êm đềm. Hay như cháu tôi yêu một anh người Australia, xăm trổ đầy mình, nhưng thấy một đứa bé sơ sinh cười với mình mà anh ta còn cảm động rơi nước mắt. Tôi thấy cuộc sống của họ vẫn rất hạnh phúc.
Nếu những chuyện như trên xảy ra với đàn ông Việt Nam, đa số họ sẽ bị vợ dè bỉu. Bởi vậy, thực sự để đạt được tầm lý tưởng thì xã hội, đặc biệt là người phụ nữ phải thay đổi tư duy phụ thuộc vào đàn ông. Thế hệ này rất khó thay đổi thì dạy cho thế hệ sau, bắt đầu bằng việc hãy từ bỏ những câu kiểu như: đàn ông không được khóc; hay con gái chỉ cần biết chăm sóc bản thân và có công việc ổn định còn lại để chồng lo...
Bản thân tôi sống tại nước ngoài, việc làm được ưu tiên cho người trong khối EU hơn, nên đàn ông càng phải nỗ lực gấp trai Tây hai, ba lần. Những lúc trầm cảm, trong cơn giá lạnh mùa đông, điếu thuốc và ly rượu vừa giúp giữ ấm, vừa giúp giảm bớt những âu lo mà phận đàn ông tại đất khách. Thế mà thật đáng buồn là có những phụ nữ cứ thích so sánh về độ ga-lăng và chiều vợ giữa trai Việt và Tây, mà bỏ quên mất đàn ông Việt phải chịu nhiều áp lực hơn, bị kỳ thị, coi thường.
Khi đàn ông bị ràng buộc bởi hai chữ "trụ cột" thì chúng thúc ép họ phải đi lên, phát triển. Về phía phụ nữ thì ngược lại, họ dường như không có áp lực này. Như vậy, theo thời gian, đàn ông sẽ ở đỉnh cao hơn phụ nữ. Ví dụ bạn có hai người con là trai và gái. Bạn ép con trai học tập chăm chỉ còn con gái thì học vừa phải. Vậy sau một thời gian, đứa con trai sẽ học tốt hơn. Ví dụ này chỉ muốn nói đến chữ "ép buộc".
>> 'Đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm'
Tại sao đàn ông phải gồng gánh, mạnh mẽ nếu không có gia đình đằng sau? Có thể quan điểm chung của xã hội là thế, nhưng thứ bắt buộc ta phải làm thế là vì gia đình. Đàn ông hiện đại không có nhiều lựa chọn như phụ nữ trong mọi thứ. Ngay cả đơn giản như ăn mặc, phụ nữ mặc đồ đàn ông ra đường là chuyện thường, còn đàn ông ăn mặc đồ phụ nữ ra đường lại là một chuyện khác.
Khi tôi học tiếng Anh trong một trường ở Mỹ, thầy giáo người gốc Puerto Rico thường tự hào kể về gia đình khi có một người vợ đẹp gốc Phlippin và hai đứa con thông minh. Một gia đình truyền thống, dù ở châu lục nào, cũng cần một người đàn ông cầm lái vững chắc về tinh thần và vật chất để đưa con thuyền gia đình đến các đích sống an toàn. Những ai tìm cách phủ nhận vai trò của người đàn ông dường như là sai lầm. Có chăng vai trò người đàn ông cần phải hài hòa trong một xã hội văn minh hiện tại.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.