Theo tôi, những người bán hàng, người quản lý đáng trách hơn những kẻ chen hàng, lấn chỗ (vì chỉ cần có một người chen là những người khác dù không muốn cũng phải cố chen lên). Nếu người quản lý biết cách tổ chức thì chắc mọi chuyện sẽ khá hơn nhiều.
Hình như ai cũng muốn chờ có một Mạnh Thường Quân hay một ông Bụt hiện ra để thay đổi những thói xấu trong xã hội và không nghĩ rằng chính ta phải tự thay đổi. Nếu tự ta biết nhường nhịn, biết phải trái, tự ta thay đổi thói quen xấu và bảo mọi người xung quanh cùng thay đổi thì nhất định sẽ thành công.
Từ các thị xã nhỏ bé đến những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP HCM..., ở đâu ta cũng thấy vẫn có những biểu hiện kém văn minh như nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi, khạc nhổ, phóng uế nơi công cộng...
Tôi sống ở Canada. Mấy đứa cháu tôi tuy mới 4-5 tuổi nhưng đã được nhà trẻ giáo dục về nếp sống văn minh nơi công cộng. Khi đề nghị điều gì, chúng đều nói "làm ơn", nếu nhận được sự giúp đỡ, chúng nói "cám ơn". Nhưng trong hai tháng du lịch ở Việt Nam, rất ít khi tôi nghe được mấy chữ thông thường ấy.
Ý tưởng đặt những máy in số kèm theo bảng điện tử hiện số tại nơi công cộng để điều khiển việc xếp hàng là rất hay và hợp lý. Nhưng theo tôi, biện pháp này còn một khiếm khuyết: Sau khi giải quyết xong cho một người, nhân viên nơi công cộng có thể quên hay cố tình quên bấm nút báo cho trung tâm điều hành.
Theo tôi, nếu các em nhỏ phải đối diện với tật chen lấn ở ngoài xã hội thì cho dù nhà trường có giáo dục về phép lịch sự, việc ấy cũng sẽ là muối bỏ biển. Để giải quyết tệ nạn này, cần tiến hành song song việc giáo dục trong lớp học và làm sao để thói chen lấn không còn chỗ sống ngoài xã hội.
Cách đây 20 năm, tôi cảm thấy sung sướng khi nhường ghế ngồi trên xe ca cho một cụ già hoặc một phụ nữ, và việc làm của tôi được mọi người xung quanh đồng tình. Bây giờ, khi tôi làm như vậy, người ta nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ!
Để đạt được điều đó, cần kết hợp nhiều biện pháp. Trẻ em phải được giáo dục ngay trong nhà trường; cha mẹ và những người lớn phải sống gương mẫu; sách báo cũng phải lên tiếng về thói xấu này. Các nơi bán hàng phải có người giám sát, không bán cho những người chen lấn; và phải thông báo cho khách hàng về khả năng phục vụ của mình để họ không mất công chờ đợi.
Tôi xin nêu một ý kiến nhỏ có thể giúp khắc phục hiện tượng chen lấn nơi công cộng. Ở Cộng hòa Czech nơi tôi đang sống, tại các địa điểm công cộng có đông người chờ giải quyết công việc, người ta đều đặt một cái máy. Khi bạn đến, bạn ấn một cái nút thì máy sẽ in ra số thứ tự.
Khi đã nhận thức được rằng hành vi chen hàng chẳng có gì là hay ho thì phải từ bỏ, loại trừ nó; chứ tại sao lại vin vào việc nó có thể đang xảy ra ở một nước khác để chấp nhận? Đâu phải vì nghèo mà người ta hay chen ngang. Có người đi máy bay, ăn mặc sang trọng mà vẫn chen hàng một cách hăm hở đấy thôi!
Chúng ta không thể có đủ nhân viên công quyền để theo dõi và phạt rất nhiều người, đặc biệt là những người vẫn còn chưa tự cảm thấy hành động chen lấn là xấu. Cái mà chúng ta cần làm là làm sao để ý thức xếp hàng ngấm vào máu mỗi người và trở thành một thói quen mới.
Chắc ai cũng biết Nhà hát Hòa Bình ở TP HCM. Đây là nhà hát lớn của thành phố, nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện phục vụ khán thính giả một cách tốt nhất. Vậy mà những cảnh tượng chen lấn, nạn buôn vé chợ đen vẫn ung dung tồn tại cho đến bây giờ.
Sống ở Paris 13 năm nay, thỉnh thoảng tôi nghĩ "hay là hôm nào đó mình cũng lên tháp Eiffel một phen". Nhưng rồi vào mỗi dịp nghỉ, đi qua tháp thấy người ta nhẫn nại xếp hàng mấy tiếng đồng hồ dưới gió lạnh hoặc nắng cháy để chờ được leo lên, trong lòng tôi tắt ngay ý định nàỵ
Có bạn cho là nước ta còn nghèo, nhưng nếu nước ta giàu lên, liệu sự chen lấn có biến mất hay không? Có bạn lại cho ý kiến phải có nhân viên đứng canh và bóc "những con sâu" ra, không lẽ phải bố trí nhân viên ở những nơi công cộng trên khắp nước Việt Nam hay sao?
Chen hàng là biểu hiện của sự ích kỷ, không tôn trọng người khác. Tính xấu này thể hiện không chỉ ở việc xếp hàng mà còn trong cách chúng ta chạy xe trên đường và nhiều cảnh khác. Nếu từng ở nước ngoài, chắc bạn đã thấy cảnh tắc đường ở nước ta khác họ như thế nào. Chính chúng ta kéo dài thời gian kẹt xe ít nhất là gấp đôi do mạnh ai nấy chen.
Chen hàng đúng là một thói xấu, xảy ra ở nhiều nơi trên đất Việt Nam. Đây là điều không phải bàn cãi vì mọi người đều biết rõ. Vấn đề quan trọng cần bàn là tìm cách để thói xấu này không còn tồn tại.
Từng người, từng người, góp gió thành bão, chúng ta hãy cùng góp sức xây dựng nếp sống có ý thức hơn. Cần có những quy định rõ ràng, hướng dẫn thực hiện cụ thể, kiểm tra và thưởng phạt nghiêm minh. Phải làm thật sự thì mới thành công, nếu làm cho có thì cũng như không.
Sống và làm việc theo pháp luật là tiêu chí của một xã hội văn minh. Theo tôi, ta không nên nặng về giáo dục, tuyên truyền nữa vì biện pháp này rất ít hiệu quả. Phải dùng luật pháp buộc người ta cư xử văn minh, để dần dần hình thành thói quen tốt. Ta có thể học tập Singapore, nơi mà một người ngoại quốc nếu vẽ bẩn lên tường vẫn phải chịu hình phạt của nước chủ nhà.
Tôi viết bài này không phải để tranh luận với Hằng (vì nhiều bạn khác đã nói hết). Tôi chỉ muốn nói rằng dân mình còn nhiều thói xấu nên sửa, nếu không muốn hình ảnh Việt Nam "mến khách, cần cù, thông minh, anh dũng" mà cha ông ta xây dựng bao đời nay bị tổn hại trong mắt bạn bè thế giới. Điều này cũng giống như câu thành ngữ "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".
Tôi rất tán đồng ý kiến của bạn NT, ND Bao, rằng phải chấp nhận phê bình thì mới mong tiến bộ, theo kịp sự phát triển của nước người. Nhiều khi ta ngại góp ý vì dễ bị chụp mũ là chê bai Việt Nam, hướng ngoại, học đòi... Chúng ta nghèo nên còn nhiều tật xấu, thiếu văn minh trong cư xử, hay ngược lại, vì thiếu văn minh, nhiều tật xấu nên còn nghèo? Tôi nghĩ là cả hai.