Hồi tôi mới lên Sài Gòn học đại học, sau mấy tháng đầu trải nghiệm xe buýt từ ký túc xá đến trường, tôi đã hốt hoảng gọi về nhà nhắn ba: "Ba đem cho con chiếc xe máy cũ nhé".
Ngày đó, xe buýt với tôi là những ám ảnh không mấy dễ chịu. Tôi vốn bị say xe, thời gian lúc đầu đó mỗi lần đến lớp, tôi bần thần ngồi cả tiếng đồng hồ chờ đầu óc tỉnh táo lại mới tiếp thu nổi bài vở. Tôi phải cố thức sớm, ra trạm để đón xe khi còn vắng.
Hôm nào ra trễ thì trên xe không còn chỗ ngồi, phải chịu trận đứng chen chúc với nhiều bạn khác. Thỉnh thoảng, tôi lại nghe có bạn bị móc ví, mất đồ trên xe. Tôi học được tuyệt chiêu "đeo balo ngược" phía trước để dễ quản lý tài sản của mình hơn.
Sau lần gọi về cho ba xin chiếc xe máy cũ ít dùng ở nhà để làm phương tiện đi học trên phố, tôi tranh thủ đi học lấy bằng lái. Năm đầu học đại học về nhà ăn Tết, tôi cũng đi bằng xe buýt và xe khách. Nhưng lần trở lên phố, tôi đi bằng chiếc xe máy cũ, vượt qua quãng đường hơn 150km từ quê lên.
>> Cấm xe máy, người Hà Nội sẽ đi 'BMW'
Vậy là từ đó, tôi gắn bó với xe máy với quãng thời gian hơn 10 năm. Từ năm đầu đại học đến khi tốt nghiệp. Đi làm kiếm được tiền, tôi mang chiếc xe cũ trả về nhà. Sau đó tự sắm cho mình một chiếc xe mới.
Tôi cứ ngỡ cả đời này hoặc sẽ dùng xe máy, hoặc sau này có tiền mua được nhà ở Sài Gòn thì sẽ mua ôtô. Tôi nghĩ mình sẽ không dùng xe buýt nữa.
Nhưng một bước ngoặt xảy ra. Một buổi sáng tôi đi làm, chứng kiến cảnh tai nạn thương tâm của người đi xe máy ngay dốc cầu Sài Gòn, tôi đã suy nghĩ lại: Chiếc xe máy có tiện lợi và linh động thật, nhưng hầu như mỗi ngày ra đường là một phép thử hên xui. Mỗi ngày đi làm về đến nhà thì mới chắc là mình vẫn còn khoẻ, vẫn an toàn.
Thời gian đó, tin tức liên tục đưa các vụ tai nạn giao thông chết người. Cộng thêm những lần tự chạy xe máy về quê thăm nhà, quãng đường độ trăm rưỡi cây số có quá nhiều xe lớn, container... khiến tôi suy nghĩ: "Liệu mình có 'vứt' được chiếc xe máy ra khỏi cuộc sống này? Hay là mình thử dùng lại xe buýt sau ngần ấy năm?".
Thế rồi sau khi suy nghĩ thật kỹ càng, tôi để xe máy ở phòng trọ, quyết định dùng xe buýt đi làm. Say xe, tôi vẫn bị say xe. Hai tuần đầu tiên đi làm bằng xe buýt, mỗi sáng đến công ty đầu óc tôi lảo đảo như trên mây. Tôi tìm mọi mẹo được nhiều người bày để hạn chế say xe. Nói về những chiếc xe buýt lúc đó, dù vẫn chưa thực sự hiện đại, tiện nghi như một số nước phát triển trên thế giới. Nhưng khi so với thời gian đầu tôi học đại học thì cũng đã có những thay đổi nhất định.
Sau thời gian thử nghiệm, tôi dần bớt say xe. Dưới quê cũng bắt đầu có xe dịch vụ 16 chỗ chạy thẳng lên bến ở quận 5, tôi cũng an tâm khi đã có một phương tiện an toàn, giá vé nằm ở mức chấp nhận được. Sẵn tiện lúc đó, đứa em họ của tôi lên phố học đại học, cần phương tiện đi lại nên tôi đã nói với chú tôi là tôi sẽ bán rẻ lại chiếc xe máy đang dùng cho em.
Giữa Sài Gòn, không có xe máy, như thiếu đi đôi chân. Còn tôi, tự bán xe máy đi để dùng xe buýt, là đang tự cưa chân của mình. Bạn bè, đồng nghiệp nói tôi "dở hơi". Một số nói rằng tôi "đang chờ thưởng để đổi sang chiếc xe máy tốt, xịn hơn à".
>> Hà Nội cấm xe máy - 'đau đớn' cũng phải làm
Tôi chỉ trả lời đơn giản là bán xe máy đi để dùng xe buýt, để xem mình có sống nổi giữa thành phố này không? Thực sự thì mấy năm qua tôi vẫn sống bình thường, hầu như không có vấn đề tiêu cực phát sinh. Thậm chí có một số điều tôi cho là tích cực đến với mình như:
- Không tốn tiền bảo dưỡng xe.
- Cảm thấy an toàn hơn khi đi xe buýt.
- Chủ động thời gian. Thực sự dù tôi có ở hơi xa và đi lại thiếu chủ động nhưng tôi rất hiếm đi làm muộn hoặc đến hẹn không đúng giờ. Do đã tự "cưa chân", biết thân biết phận của mình nên tôi luôn chủ động đến đúng giờ. Trong khi bạn bè, người quen của tôi dù ở gần, đi xe máy lại vướng vào nạn xài giờ dây thun vì tính hay ỷ y.
Có lẽ tôi độc thân, không có con phải đưa rước mỗi sáng chiều, công việc văn phòng không quá phụ thuộc vào chiếc xe máy nên mới sống dễ dàng và thoải mái như thế. Có lẽ nhiều người bây giờ cũng nhận ra được mặt hạn chế của xe máy tác động đến đô thị. Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng không lẽ 10, 20 năm tới, thế hệ sau của chúng ta vẫn mài mông trên những chiếc xe máy ở đô thị?
Câu trả lời của tôi là hoàn toàn có thể thay đổi được nếu như mỗi cá nhân có thể hy sinh, chịu thay đổi cuộc sống cá nhân. Nó không chỉ vì chính bản thân mà còn vì xã hội.
Người Việt đã quá quen với việc đi xe máy vì tiện lợi. Một số người có gia đình, có con nhỏ lại than không thể bỏ xe máy, đi xe buýt được. Trong khi đó, tôi nghĩ từ bỏ xe máy cũng cần một quá trình và đối tượng cụ thể.
Mà bây giờ, những bạn làm công ty, văn phòng, chưa vướng bận con cái... thời gian hoàn toàn chủ động được, liệu có dám một lần thay đổi cuộc sống chính mình giống như tôi?
Khánh Toàn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.