Thời gian này, hiếm hoi lắm tôi mới thấy một bài viết bàn về chủ đề giao thông công cộng. Tôi rất hiểu tâm sự của tác giả bài viết 10 năm đi xe máy 23km vào thành phố làm việc vì tôi cũng là thành viên của "hội những người đi làm hàng chục km bằng xe máy".
Hiện tại tôi ở khu vực Suối Tiên, gần với bệnh viện Ung bướu 2 thuộc địa bàn quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức.
Không như tác giả là người nhập cư, chấp nhận ở trọ ngoại vi thành phố để giảm tiền thuê nhà cũng như tiền sinh hoạt. Tôi là dân sở tại nên dù muốn cũng chẳng thể thuê trọ gần công ty để đi làm. Công ty của tôi cũng có một vài đồng nghiệp ở quận 9, thậm chí nhà ở Biên Hoà (Đồng Nai) mỗi ngày xuôi ngược cả chục km để đến chỗ làm. Mỗi buổi chiều thành phố kéo mây đen và đổ mưa là chúng tôi nháo nhào trong lòng và lo lắng bởi cảnh "đường xa ướt mưa" để về nhà.
>> Gia đình bốn người đi xe buýt tốn tiền hơn xe máy
Có lẽ nhiều bạn cũng thắc mắc là tại sao chúng tôi không đi xe buýt? Nhưng thú thật, tôi đã từng đi xe buýt một thời gian nhưng rồi lại phải quay về với xe máy. Thứ nhất, xe buýt quá bất tiện. Mỗi buổi sáng lẫn chiều phải chen chúc với rất nhiều người dân lẫn sinh viên, may ra mới có được một chỗ đứng trên xe.
Chưa kể, nếu đi trúng xe bác tài "tay lái lụa" một chút xíu, đang chạy ngon trớn thì bác ta phanh gấp để vào trạm đón khách thì cả đám chúi nhào về phía trước. Ai bị tiền đình yếu thì say xe như chơi. Vượt qua được "ải xe buýt", đến được công ty làm thì cũng phải mất chục phút ngồi định thần trở lại mới bắt tay vào việc được. Đồng nghiệp của tôi ở Biên Hoà nếu muốn đi xe buýt, phải đổi hai, ba chuyến là bình thường. Chưa kể, thiếu nhà chờ xe buýt cũng làm mòn chí người tự nguyện dùng loại hình giao thông công cộng này.
Về mặt lợi ích kinh tế, đi xe buýt chẳng tiết kiệm hơn tiền đổ xăng xe máy là bao. Ngược lại, nếu đi xe máy thì chủ động được thời gian. Chiều tối tan làm có thể tạt chỗ này, ghé chỗ kia mà không bị bó buột, sợ xe buýt hết chuyến.
Rõ ràng là tôi nhận thức được việc nguy hiểm của đi xe máy và ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng như thế nào nhưng vẫn phải đi. Tôi cũng muốn đi xe buýt, đi tàu sắt đô thị lắm chứ, nhưng dường như bằng một lý do khách quan hoặc chủ quan nào đó khiến sự chọn lựa nghiên về xe máy.
Muốn mọi người sử dụng chúng thì phải đảm bảo lợi ích hài hoà cũng như có những hình phạt kèm theo. Đó là dựa vào nguyên lý cây gậy và củ cà rốt.
>> Tàu điện 'bánh kẹp' Nhật và lời chê bai xe buýt Việt
Xin dẫn chứng một thông tin, điều mà tôi chưa bao giờ thấy ai đề xuất hoặc thực hiện tương tự ở ta: "Người dân sử dụng phương tiện công cộng tại thành phố Cluj Napoca (Romania) giờ đây có thể thực hiện squat để đổi vé đi xe buýt miễn phí. Theo đó, những người tham gia thử thách sẽ phải thực hiện động tác squat 20 lần trong vòng hai phút để nhận được một vé đi xe buýt miễn phí trong khu vực thành phố". "Củ cà rốt" này vừa có tác dụng rèn luyện sức khoẻ, vừa khuyến khích người dân đi xe công cộng.
Bên cạnh đó, cũng cần có những "cây gậy" như mức phạt tăng cao với những người trộm vặt trên xe buýt, những người chạy xe máy ẩu, những tài xế ôtô cố tình giành đường với xe buýt...
Tôi thấy nhiều người kêu gọi dùng xe công cộng, vừa văn minh vừa bảo vệ môi trường này nọ, vừa hợp với xu thế phát triển...nhưng cái mấu chốt tiện ích tối đa cho người sử dụng thì không thấy ai bàn đến. Việc kêu gọi đi xe buýt, đi bộ hoặc đi xe đạp nếu chỉ gọi suông thì không được. Rất cần những "cây gậy và củ cà rốt" để giao thông công cộng phát triển.
Trần Mai
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.