Giáo dục con cái luôn là nhiệm vụ quan trọng của bất cứ gia đình nào. Bên cạnh vấn đề giáo dục nhân cách, giới tính, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử, thói quen đọc sách từ nhỏ cũng là một điều đáng quan tâm. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao để đọc sách trở thành một nét văn hóa đẹp giúp trẻ hoàn thiện tư duy, trí tuệ. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện bởi còn nhiều thứ chi phối cha mẹ lẫn con trẻ.
Con trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, toàn bộ suy nghĩ, sở thích, hành động của chúng đều được phản ánh qua những gì người lớn thể hiện. Việc cha mẹ xem nhẹ tầm quan trọng của việc đọc sách khiến tỷ lệ trẻ thích đọc sách đang ngày càng giảm sút. Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng trên là trẻ em bây giờ sống trong thời đại công nghệ 4.0, được tiếp xúc với internet và sử dụng mạng xã hội (YouTube, TikTok, Facebook) từ quá sớm, thời gian xem TV, may tính bảng, điện thoại di động... quá nhiều. Hơn nữa, áp lực học tập, thi cử và thành tích cũng vô hình chung khiến trẻ chẳng còn thời gian quan tâm đến việc đọc sách.
Ít người hiểu hết được việc đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ như giúp tăng khả năng đọc, tư duy nhanh, trí tưởng tượng phong phú hơn, nâng cao trí tuệ, đa dạng hóa vốn từ vựng, rèn luyện kỹ năng viết lách, tăng cường khả năng ghi nhớ... Đọc sách còn giúp trẻ rời xa các thiết bị công nghệ, qua đó ngăn ngừa khủng hoảng tâm lý như trầm cảm, tự kỷ, rối loạn lo âu. Đây còn là cách rèn luyện khả năng tập trung và giúp trẻ phát triển thói quen đưa ra ý kiến, có đời sống tinh thần tích cực, biết kiểm soát cảm xúc, tự tin vào bản thân và gắn kết với cha mẹ.
Kinh nghiệm rèn con có thói quen đọc sách mỗi ngày từ nhỏ của tôi, đó là ngay từ khi con một tuổi, dù con chưa biết đọc chữ, tôi đã mua các cuốn sách dành cho thiếu nhi từ 0 đến 6 tuổi, như bộ những câu chuyện ngụ ngôn và cổ tích đầu đời cho bé. Khi con 1-3 tuổi, tôi cho con chơi với sách, nhìn màu sắc, hình ảnh trong sách để con thích và quen với sách. Khi con từ 3-5 tuổi, tôi đọc sách cổ tích, loài vật... cho con nghe khoảng 30 phút trước khi cho con đi ngủ và vào ngày nghỉ cuối tuần, cùng con xem sách, kể nội dung cuốn sách và giải thích các hình ảnh minh họa của từng câu chuyện cho con nghe.
Đến khi con 6 tuổi biết đọc chữ, tôi lại rèn cho con có thói quen đọc sách hằng ngày bằng cách, trong lúc con ngồi học bài thì tôi đọc sách, chờ con học bài xong thì con sẽ đọc sách cho tôi nghe và cùng trao đổi về nội dung trong sách. Dần dần con không cần bố mẹ nhắc cũng tự giác đọc sách mọi lúc mọi nơi.
>> 'Đọc càng nhiều sách càng tốt'
Ngoài việc đọc sách vào mỗi buổi tối sau khi học bài xong, mỗi ngày đi học, con còn tranh thủ đọc sách vào giờ giải lao giữa các tiết học. Bởi con nói rằng: "Đọc sách cũng chính là chơi mẹ ạ". Hiện tại, con đang học lớp 2, trung bình một tuần con có thể đọc hết một cuốn sách khoảng 200-300 trang với niềm say mê thực sự chứ không phải bị mẹ ép buộc. Thậm chí, có đôi khi con có thể tập trung đọc hết cuốn sách 310 trang chỉ trong bốn ngày.
Sau khi con đọc xong một cuốn sách, tôi lại đặt câu hỏi và lắng nghe những điều con đã học được sau mỗi cuốn sách đó. Cách này giúp con cảm thấy mình có giá trị khi được chia sẻ điều mình biết với người khác và dần yêu thích việc đọc sách hơn.
Phương pháp rèn luyện thói quen đọc sách cho con của tôi là:
1. Bố hoặc mẹ phải có thói quen đọc sách mỗi ngày và dành thời gian đọc sách cùng con.
2. Tặng sách cho con như một phần thưởng
3. Một tháng dẫn con đi hiệu sách ít nhất 1-2 lần.
4. Chọn sách theo sở thích và độ tuổi phù hợp với con.
5. Xếp thời gian đọc sách cố định mỗi ngày cho con.
6. Đọc cho con nghe những câu chuyện chúng thích và ngược lại. Giải thích những nội dung trong sách mà con đọc không hiểu.
7. Khuyến khích con đọc nhiều thể loại sách khác nhau như sách văn học, khoa học, nghệ thuật, lịch sử, giáo dục giới tính, kỹ năng sống, dành cho thiếu nhi...
8. Đặt câu hỏi và lắng nghe những điều con đã học được sau mỗi cuốn sách.
9. Hướng dẫn con trải nghiệm những điều đã đọc trong sách.
10. Tạo sự kết nối giữa thực tế với những cuốn sách mà con đang đọc.
Để sách làm người thầy, người bạn luôn bên con trong suốt quá trình trưởng thành, dù cuộc sống có bận rộn như thế nào, cha mẹ cũng hãy dành thời gian để đọc sách cùng con mỗi ngày. Hãy coi việc đọc sách cùng con là một hoạt động để vun đắp tình cảm, giúp cha mẹ và con gắn bó và hiểu nhau hơn. Giúp con nuôi dưỡng tâm hồn, mở mang kiến thức, vững bước hành trang vào đời.
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền đang làm việc tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Tác giả chia sẻ nhiều ý kiến về các khía cạnh trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.