Mỗi khi đến hè, tôi thường dụ đứa em:
- Đọc sách đi em.
- Không đọc, em thích chơi cờ.
- Đọc đi, đọc sách thú vị lắm, ngồi ở đây mà mình có thể thấy được cảnh vật tận bên Âu, bên Mỹ. Sống trong thời này nhưng có thể giao tiếp xuyên thế hệ qua những tư tưởng, những điều tác giả kể trong sách.
- Chơi cờ cũng thú vị lắm, ngồi ở đây mà cũng có thể hình dung được tình hình chiến sự ở Kosovo. Chị chơi cờ với em đi.
Câu trả lời của đứa em khiến tôi "cứng họng". Tôi ngồi xuống bàn cờ vua phía đối diện. Dù chưa chơi cờ với em bao giờ, nhưng tôi khá tự tin vì từng chơi với bạn cùng lớp và kết quả không tệ. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, tôi nhận ra mình quá chủ quan và coi thường em trai. Tôi chật vật mãi mà không thắng được. Ý định tháo chạy khỏi bàn cờ và không bao giờ quay trở lại của tôi khi đó thậm chí còn tệ hơn cả một kẻ thua cuộc.
Em tôi đến giờ vẫn chưa đọc hết một quyển sách nào ngoài sách giáo khoa, sách chuyên ngành và ngoại ngữ. Tuy nhiên, cậu ấy làm gì cũng hơn tôi: thi tốt nghiệp, đỗ đại học đều điểm cao hơn tôi. Đặc biệt và bằng nỗ lực của mình, em đã tự kiếm được học bổng học ở Hàn Quốc và Canada. Còn tôi, sau bao năm, vẫn là một công chức nghèo. Dù tôi vẫn hì hục viết, hì hục đọc mỗi ngày, vẫn miệt mài lao động theo một cách nào đấy.
Cái ngày em từ giã căn phòng trọ 15 mét vuông ở chung với tôi để đi du học, tôi đã cố giữ lại những tờ giấy nháp em dùng để học ngoại ngữ trên máy vi tính để tìm kiếm bí mật của sự thành công. Song, tôi đã nhận ra rằng em hơn tôi ở nỗ lực, và sự quyết tâm vươn lên. Và cũng từ em, tôi ghi danh học lại Anh văn với quyết tâm không từ bỏ. Em làm được, tôi cũng sẽ làm được. Tôi đã mua thật nhiều sách của các nhà xuất bản như Cambridge, Oxford, những tác phẩm văn chương viết bằng tiếng Anh, những cuốn sách chia sẻ bí quyết học tập như: "Tớ đã học Ngoại ngữ như thế nào", "Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh"... Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu cả. Tôi vẫn chỉ là "con ếch ngồi trong đáy giếng" mà thôi.
>> 'Đọc càng nhiều sách càng tốt'
Một hôm, tôi bắt đầu nghi ngờ về thế giới của mình. Thấy vậy, em trai tôi hỏi: "Nếu chị không đi nước ngoài, chỉ đọc sách của những người từng sống ở nước ngoài thì chị có thể lĩnh hội những trải nghiệm của họ không? Viết một quyển sách là nhìn dưới lăng kính của tác giả, chị có thể học hỏi được điều gì đó từ họ, nhưng đó không phải là trải nghiệm của chị. Ví như trước khi chị gặp người A, có người rỉ vào tai chị nói rằng "A rất tốt" hoặc "A không tốt". Đó là thông tin hữu ích cho chị tham khảo. Nhưng chỉ khi chị gặp mặt, tiếp xúc với người đó, va chạm thử thách với họ, chị mới có thể khám phá họ là người thế nào trong tâm thức của chị".
Sau những lần trò chuyện với em, tôi không còn ý nghĩ tội nghiệp nó không có thời gian đọc sách. Tôi hiểu ra rằng đọc một quyển sách, suy cho cùng cũng giống như tìm gặp một con người và học hỏi điều gì đấy hay ho từ họ. Quan trọng là tinh thần học hỏi chứ không phải là đọc sách hay "đọc người".
Để thay đổi định kiến, tôi đã nói với em rằng: "Em đi theo con đường khoa học tự nhiên, chị đi con đường khoa học xã hội. Cả hai chị em ta dù đi con đường khác nhau, nhưng thật ra chúng ta đang đi đến một điểm duy nhất em đó là tri thức. Ví như Định luật II Newton trong Vật lý và Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến trong Triết học đều cùng bàn một vấn đề, chỉ có điều cách thức và hướng tiếp cận khác nhau. Em đi theo hướng này và chị chọn đi theo hướng khác phù hợp với khả năng của chị. Không có ai hơn ai, nếu chúng ta cùng tìm cầu một chân lý".
Tôi thừa nhận sách không phải là kênh duy nhất để tiếp thu kiến thức. Ta sẽ có rất nhiều cách để học: từ bạn bè, từ thầy cô, từ những điều diễn ra xung quanh, thậm chí là từ chim muông, hoa lá... Nếu chỉ đọc sách, theo đúng nghĩa đen thì chỉ tiếp nhận trải nghiệm của người khác. Điều quan trọng là người đọc phải có tinh thần học hỏi, va chạm với thực tế để biến kiến thức trong sách thành trải nghiệm của bản thân.
>> Bạn đã đọc sách như thế nào, theo bạn nên làm gì để vun đắp đam mê đọc sách và đọc sao cho hiệu quả? Chia sẻ quan điểm của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Trần Thị Thu Ba