Chỉ còn gần hai tuần nữa là Tết Nguyên đán. Trẻ con háo hức mong chờ đến Tết vì được nghỉ học, được đi chơi và được nhận lì xì. Người lớn lại lo lắng, mệt mỏi vì phải sắm sửa Tết cho nội, ngoại, gia đình, chưa kể đến tiết mục phải đi chúc Tết sếp, đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng, về quê lo chợ búa, làm cỗ, dọn dẹp... đủ thứ việc. Nhiều người thực sự rất sợ Tết vừa tốn kém vừa vất vả hơn ngày thường.
Ở Việt Nam, những người mẹ, người vợ luôn hết lòng chuẩn bị nhiều món ngon cho Tết, nấu nướng, bày biện những bữa tiệc đoàn viên. Điều này vô tình biến những bữa cơm ngày Tết trở thành những áp lực vô hình khiến nhiều người phụ nữ ít được tận hưởng cái Tết thảnh thơi.
Giản tiện trong mua sắm, nấu nướng ngày Tết - một việc tưởng chừng vô cùng đơn giản, dễ dàng - nhưng với những người phụ nữ hiện đại, để có được điều này là một vấn đề lớn. Bởi không dễ để dịch chuyển được tâm thức của những người bà, người mẹ trong suốt bài chục năm qua, từ "ăn Tết" sang "tận hưởng Tết".
Tôi nghĩ rằng, Tết mệt mỏi hay thảnh thơi đều là do mỗi chúng ta mà ra. Biết đủ, là đủ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: "Muốn tạo an lạc cho tương lai thì phải tạo an lạc cho giây phút hiện tại". Không an lạc tự trong lòng, thì làm sao an lạc trong Tết đây?
>> Tôi đáp trả những câu hỏi vô duyên ngày Tết của nhà chồng
Trước đây, tôi rất sợ Tết. Nhưng từ ba năm nay, tôi đã thay đổi hẳn suy nghĩ của mình, điều chỉnh mọi việc, mua sắm ít đi, dọn dẹp ít lại, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đi chơi cùng người thân trong gia đình và bạn bè, dành cho mình một cái tết thảnh thơi, nhẹ nhàng nhất có thể. Từ đó, tôi không còn thấy sợ Tết nữa, mà thậm chí còn thích Tết vì có nhiều thời gian nghỉ ngơi, đi chơi mà ngày thường trong năm bận đi làm, không làm được.
Trước Tết, tôi lập thời gian biểu mua sắm, lên ngân sách sắm Tết, chuẩn bị thực đơn cho ba ngày Tết, lên kế hoạch du xuân. Thực phẩm Tết cho gia đình, tôi chỉ mua theo đúng nhu cầu dùng. Siêu thị là ưu tiên số một, và tôi chỉ đi đúng một lần, không có lần hai.
Bánh chưng, giò, chả, thịt lợn, thịt bò, thịt gà... tôi đặt trước Tết một tuần ở một cửa hàng uy tín, đến 29 Tết mới nhận hàng. Trái cây, hoa tươi bày mâm ngũ quả trên bàn thờ... tôi chờ 29-30 Tết mới ra chợ mua cho nhanh, không cần phải tranh nhau mua sớm. Ngoài thức ăn tươi, với các vật dụng khác, tôi ưu tiên đi chợ online. Tôi cũng trữ thực phẩm trong tủ lạnh theo phần, ngày nào có phần của ngày đó. Rồi gia đình tôi sẽ cùng nhau nấu ăn, cùng dọn dẹp và trò chuyện.
Tôi sẽ dành thời gian hai ngày về quê để tận hưởng không khí Tết tại đây, còn lại phần lớn thời gian được nghỉ, tôi sẽ đi chơi một số nơi ở Hà Nội, tận hưởng cảm giác thư thái, bình yên giữa không gian yên tĩnh, vắng vẻ của thủ đô khi đa phần mọi người về quê hoặc đi du lịch xuyên Tết. Tôi cũng tranh thủ thời gian gặp gỡ bạn bè thân thiết.
Cả năm 2024, tôi bận làm việc tối mắt tối mũi, nhưng cũng không tích lũy được tiền, vì phải chi tiêu hết cho việc nuôi hai con gái ăn học. Nhưng tôi nghĩ kiếm tiền là việc làm cả đời, có làm đến lúc chết cũng không thể hết được những việc mình muốn. Trong khi đó, tiền nhiều bao nhiêu cũng sẽ tiêu hết, chẳng biết bao nhiêu là đủ. Vì thế, tôi quyết định sống chậm lại là để yêu thương mình và gia đình nhiều hơn.
Bóc tờ lịch mới, còn mấy nữa đâu là đã Tết rồi. Tôi đưa con đi mua quần áo mới, mua cây quất, cành đào đẹp về nhà cắm cho có không khí Tết. Thời gian này là dịp để vui. Tôi thuê giúp việc dọn nhà theo giờ để dọn tổng thể cả nhà, sau đó tôi sắp xếp lại đồ vật trong nhà theo ý mình. Giá sách cũng được dọn lại, tặng bớt. Tủ quần áo cũng được chọn lựa những cái nào ít mặc hoặc không mặc nữa là tặng cho những người cần chúng hơn.
Với tôi, Tết là dịp để duy trì những giá trị mang tính truyền thống của người Việt Nam nhưng không có nghĩa là "hành xác", phung phí tiền bạc. Tết là một kỳ nghỉ dài ngày mà tất cả thành viên trong gia đình đều được trải nghiệm cảm giác sum vầy, thảnh thơi sau một năm làm việc, học tập, chạy đua để hoàn thành những kế hoạch, những mục tiêu. Kỳ nghỉ Tết là một khoảng lặng lý tưởng để tạm gác lại những bộn bề mệt mỏi; được ăn những bữa cơm đong đầy tình yêu thương của bà, của mẹ; được cùng nhau dọn dẹp, chăm chút lại nhà cửa, lau dọn bàn thờ gia tiên thể hiện lòng tri ân, hiếu kính; cả nhà quây quần ôn lại một năm cũ đã qua và chào đón một năm mới đến...
Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng theo tôi, thay vì lo sửa soạn, bày vẽ nhiều trong mấy ngày nghỉ Tết thì dành thời gian cho gia đình, cùng vui chơi, nghỉ ngơi, tận hưởng khoảng thời gian thảnh thơi. Đón Tết đơn giản, gọn gàng thì càng đầm ấm, yên vui. Tết là những ngày đặc biệt để tận hưởng những cảm giác ấm áp mà những ngày thường bận rộn chúng ta ít có thời gian để cảm nhận một cách trọn vẹn và yêu thương.
Điều quan trọng nhất là do chúng ta muốn đón Tết theo cách nào? Cầu kỳ hay đơn giản? Có dám sống theo ý mình không hay lại sợ dư luận? Có dám đi du lịch dịp Tết không? Hay cứ về quê ở cả Tết rồi ấm ức, bức xúc vì mệt mỏi cỗ bàn, rửa bát? Tết là để nghỉ ngơi, không chỉ với người lớn mà với con cháu trong gia đình cũng thế. Tôi không đặt nặng quá nhiều nghi lễ, quan trọng là vẫn chỉn chu về nét đẹp văn hóa truyền thống mà vẫn tạo không khí nhẹ nhàng cho mọi người. Đừng đặt lên vai nhau những áp lực, trách nhiệm, ưu phiền không đáng có.
Chọn cách đón Tết theo cách nào là tuỳ thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng có lẽ, cứ được tận hưởng Tết theo ý mình là vui nhất. Tôi sẽ dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp tâm hồn để tận hưởng Tết bên những người thân quan trọng nhất của mình theo cách riêng của tôi.
- Việt kiều Mỹ 60 năm giữ Tết cổ truyền
- Việt Kiều Mỹ về Việt Nam thuê nhà ăn Tết
- Tuổi 30 thèm về quê ăn Tết
- Tôi thèm cảm giác tất bật nấu nướng ngày Tết nhà chồng
- 'Cỗ Tết ra chợ mua thay vì con dâu còng lưng nấu nướng'
- Tôi nhường chồng ăn Tết nhà nội đến mùng Ba