Tôi xa quê hương, sang Mỹ định cư đến nay cũng đã được trên 60 năm. Trong quãng thời gian này, tôi may mắn được đón hai cái Tết truyền thống cùng cha mẹ khi ông bà còn sống. Nhưng những kỷ niệm ấm áp về tình cảm gia đình, về truyền thống đón Tết vẫn luôn theo tôi trong suốt những năm tháng bôn ba cuộc đời.
Ở nước ngoài, tôi khá bận rộn với cuộc sống hàng ngày. Mỗi, khi sinh sống ở những nơi có cộng đồng người Việt lớn, tôi lại thấy lòng mình thoáng rộn ràng với không khí Tết và thêm nhớ quê nhà da diết. Những năm ở Hawaii, cứ đến Tết âm lịch là tôi lại đi mua Thủy tiên về cắm, mua bánh trái về bày vì cộng đồng người Hoa, người Việt ở đây khá đông đảo.
Ở Hawaii, cộng đồng người Hoa ăn Tết rất lớn, chủ yếu là qua những hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Dịp cuối năm, họ thường tổ chức lễ hội văn hóa, dạ tiệc, có ca nhạc và thi hoa hậu. Thí sinh được chọn theo tiêu chuẩn sắc vóc nhưng quan trọng hơn là có nhiều đóng góp cho hoạt động cộng đồng.
Khoảng một tuần trước Tết, họ tổ chức múa lân, đốt pháo. Chủ tịch hội cộng đồng dẫn đầu đoàn lân và Hoa hậu (Narcissus Queen) và các thí sinh khác đi chúc Tết các viên chức của Bang và thành phố. Sau đó, cả đoàn tỏa ra đi chúc Tết các doanh nghiệp và cuối cùng hội tụ lại ở phố người Hoa. Tiền lì xì được dùng để đóng góp cho sinh hoạt trong năm của Hội cộng đồng người Hoa địa phương.
>> Việt Kiều Mỹ về Việt Nam thuê nhà ăn Tết
Cộng đồng người Việt tuy không lớn mạnh như vậy nhưng cũng có nhiều hoạt động sôi nổi mỗi dịp Tết đến xuân về. Chúng tôi cũng có đốt pháo, múa lân để đón Tết. Không khí này khiến tôi nhớ đến cha mẹ và những kỷ niệm của mình thời thơ ấu.
Hiện nay, vùng tôi ở hầu như không có người Việt nên không còn giữ được không khí Tết như vậy nữa. Tôi thường chăm sóc bụi Forsythia trong vườn để kịp trổ bông vào đúng dịp Tết. Bạn bè, anh em tôi cũng thường gửi bánh tét, bánh chưng và giò để chúng tôi lưu giữ được chút hương vị ngày Tết. Tất nhiên, vì là hàng đông lạnh nên gia đình tôi phải cất giữ trong tủ đông để ăn dần.
Tết xa xứ chắc chắn không thể đầy đủ và đông vui như ở quê hương. Nhưng chúng tôi vẫn cố giữ lại những nét đặc trưng nhất của Tết. Vợ chồng con trai tôi ở gần nên năm nào cũng đưa con cái về chúc Tết. Sau đó, chúng tôi lại cùng nhau luộc lại bánh chưng, bánh tét, cùng bóc bánh, cắt giò và ăn bữa cơm tất niên.
Thực ra, con trai và con dâu tôi (là người gốc Việt) không ăn được mấy món bánh cổ truyền, mấy đứa cháu tôi lại chỉ ăn được miếng giò. Thế nhưng, với tôi điều đó chẳng sao cả, cuộc sống luôn thay đổi và đa dạng mà. Chúng ta phải tìm cách thích nghi mà thôi.
- 'Cỗ Tết ra chợ mua thay vì con dâu còng lưng nấu nướng'
- Tôi nhường chồng ăn Tết nhà nội đến mùng Ba
- Tôi thèm cảm giác tất bật nấu nướng ngày Tết nhà chồng
- Tôi để hai con trai ăn Tết nhà vợ
- Tôi muốn vợ chu toàn Tết nhà chồng trước khi về ngoại
- Mệt mỏi vì năm nào cũng một xấp tiền về quê ăn Tết