Tôi vừa dự buổi họp mặt của năm cặp Việt kiều về quê ăn Tết. Mỗi người một suy nghĩ, một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là tất cả đều mong nhớ cái Tết trên quê hương, đều công nhận không đâu bằng đón Tết ở Việt Nam. Nghe các anh tâm sự mà mắt tôi thấy cay cay, vừa cảm động, vừa thấy may mắn.
Một anh bạn tôi tâm sự, vợ chồng anh xuất cảnh cách đây bảy năm theo diện thẻ xanh EB – 5. Trước đó hai năm, các thủ tục đã được ráo riết tiến hành, chi phí cũng kha khá. Lúc mới sang Tây, cái gì cũng đẹp, cũng tốt nên tiền bạc dự phòng của anh chị cũng vơi theo thói quen mua sắm thoải mái hồi còn ở trong nước.
Khi các con còn đi học, hàng tuần gia đình thường sum họp. Rồi lần lượt các cháu ra trường đi làm, xây dựng gia đình riêng, thế là hai căn nhà cho thuê phải dành cho hai con, gia đình bố mẹ vắng dần, mọi chi tiêu sinh hoạt chỉ còn gói gọn trong số tiền đầu tư.
Anh nói việc khám, chữa bệnh bên này quả là cơn ác mộng vì giá cả trên trời, nhưng thời gian chờ đợi để được khám điều trị cũng rất nan giải, không phải cứ có tiền là yêu cầu được khám ngay, nhất là những người nhập cư già yếu, nhiều bệnh nền như anh.
Là người kinh doanh nhà đất ở Việt Nam nhưng sang Mỹ anh cũng phải "bó tay" vì rào cản ngôn ngữ, môi trường, điều kiện pháp lý... Vậy là suốt ngày anh rong ruổi khắp nơi, dù cảnh đẹp nhưng chỉ có "ta với ta".
Các con có nhà riêng hòa nhập nhanh chóng với cuộc sống ở Mỹ, nên mùa Giáng sinh, Tết dương lịch cũng dần thay thế cho cái Tết cổ truyền của gia đình anh. Trừ hai Tết đầu là vui, còn lại năm cái Tết sau đó làm anh "ngán đến tận cổ". Mong mỏi tới thăm gia đình Việt cũng khó, hẹn hò đặt lịch, đi lại rất vất vã, mà để tìm được bạn hợp nhau lại càng khó trên xứ người.
Mỗi năm, cứ gần Tết là lòng anh lại xôn xao, không ngủ được, từng khoảnh khắc quê hương xưa cũ cứ hiện về: không khí tấp nập của các ngày cận Tết, các đường hoa rực rỡ sắc màu, ánh pháo hoa của các đêm từ 27 Tết, những gương mặt rạng rỡ, những cái bắt tay chia sẻ của bạn bè, người thân, tiếng cụng ly rượu vang, tiếng chúc mừng năm mới... Tất cả những kỷ niệm, nỗi nhớ da diết ấy đã khiến vợ chồng anh tạm biệt các con và trở về quê nhà ăn Tết.
Nhà cũ đang cho thuê nên anh thuê lại một căn nhà khác để ở, nhưng vẫn trang hoàng, sắm sửa đầy đủ đón Tết như một gia đình Việt. Anh hẹn chúng tôi 24 tháng Chạp này tập trung, làm heo rừng, gói bánh chưng, ăn tất niên, chuẩn bị đón năm mới.
Quả thực, Tết cổ truyền Việt Nam đã ăn vào máu thịt rồi, rất khó có thể dứt ra được. Những người già như chúng tôi khi đã tự chủ được tài chính, các con đã trưởng thành, nên đều tự tìm nguồn vui, nguồn động lực mới cho cuộc sống của mình, để con cháu bớt phần vất vả.
Có nhiều quan điểm khác nhau, nhất là với các bạn trẻ, có thể nhiều người nói chúng tôi "hâm", nhưng có lẽ đến tuổi này, con người ta mới thấm thía rằng "quê hương vẫn luôn là chùm khế ngọt" và Tết cổ truyền là chất keo tuyệt vời nhất để gắn kết mọi người với nhau.
- Tôi nhường chồng ăn Tết nhà nội đến mùng Ba
- Vợ chồng tôi tự lo Tết khi con cháu kéo nhau đi du lịch 10 ngày
- Tôi để hai con trai ăn Tết nhà vợ
- 'Hết thời con dâu bắt buộc phải lo Tết nhà chồng'
- Nhà chồng khích bác vì tôi không chịu về nội ăn Tết
- Tôi muốn vợ chu toàn Tết nhà chồng trước khi về ngoại