Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, mấy hôm rồi có khá nhiều phụ huynh đến nhà tôi thăm chúc, vì vợ tôi cũng là giáo viên. Nghe những cuộc nói chuyện, tôi thấy ai cũng cố năn nỉ vợ tôi mở lớp dạy thêm cho con em họ với nhiều lý do. Trong đó, lý do phổ biến nhất là họ sợ con trẻ ở nhà không có ai trông coi, chỉ toàn chơi, không chịu tự giác học tập. Nhiều bậc cha mẹ thì không quản nổi con, để lực học của đứa trẻ cứ yếu dần, suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, chơi game...
Thực ra, bản thân tôi không muốn vợ dạy thêm gì hết, vì vợ cũng cần thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức sau những giờ lên lớp vất vả. Với lại, một buổi dạy thêm như thế cũng chỉ kiếm được khoảng vài trăm ngàn đồng, cũng không giải quyết được vấn đề gì (dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém chia ra cũng chỉ có thể thu khoảng 30.000 đồng mỗi em một buổi).
Gần đây, lên mạng xã hội và đọc báo, tôi thấy những lời bình luận có phần nặng nề, tiêu cực về việc dạy thêm: nào là thầy cô giáo ép buộc học sinh của mình phải đi học thêm, nào là giáo việc nọ kiếm vài chục triệu đồng mỗi tháng nhờ việc dạy thêm... Tôi có cảm giác nhà giáo đang bị xúc phạm.
Nói thật, ở chỗ tôi, nếu phụ huynh không năn nỉ, không đăng ký trước thì cũng chẳng có chuyện con cái được học thêm. Các giáo viên bỏ công sức ra, hy sinh thời gian nghỉ ngơi của mình để dạy thêm, phụ đạo cho học sinh vì cái tâm với nghề mà nay lại bị nhiều người xem như mắc trọng tội, vậy cố dạy làm gì?
>> Phụ huynh tìm đến vì tôi dạy thêm chỉ 10 học sinh
Tôi có khoảng hơn chục đứa cháu trong nhà. Vì có năng lực tự học và biết phương pháp học hiệu quả ở nhà nên không đứa nào đi học thêm. Ấy vậy mà tôi chưa thấy các cháu bị trù dập bao giờ. Ngược lại, kỳ họp phụ huynh nào tôi cũng thấy các cháu được khen ngợi, tuyên dương. Cứ bảo học thêm không công bằng giữa học sinh này với học sinh kia, tôi thấy thật nực cười. Các kỳ thi chung, giáo viên không bao giờ được trực tiếp ra đề và chấm thi, vậy lấy đâu ra thứ để gài cho học sinh học thêm của mình. Giáo viên lệch chuẩn còn khó đứng lớp chứ nói gì đến chuyện dạy thêm?
Từng kinh qua việc giảng dạy, tôi cam đoan phần lớn giáo viên không làm những thứ tồi tệ như nhiều người vẫn nghĩ. Giáo viên sợ nhất là sự đánh giá của học sinh về năng lực trình độ của mình. Thậm chí, một số giáo viên lúc nào cũng lo sợ trình độ chuyên môn sự phạm của mình không đáp ứng được chương trình giảng dạy, chứ ai lại đi bớt kiến thức trên lớp để dạy thêm kiếm tiền. Những giáo viên như thế mở lớp cũng chẳng ai học.
Dù thế nào đi chăng nữa, trường học không phải là nơi ai muốn làm gì thì làm. Ở chỗ tôi, giáo viên kém năng lực đạo đức có khi còn bị phụ huynh làm đơn gửi lên cơ quan quản lý cấp trên, và họ lập tức mất việc ngay. Do vậy, chuyện ép uổng học sinh của mình đi học thêm là điều rất hiếm. Đa phần toàn con nhà có điều kiện mới cho con đi học thêm nếu thực sự có nhu cầu.
Ngày nay, có nhiều người có cái nhìn rất cực đoan về nghề giáo. Họ không hiểu rằng khi bản thân coi thường người thầy thì con cái họ sẽ thế nào, ai dạy dỗ? Một số thầy cô không sai nhưng cũng không dám đấu tranh. "Giáo viên bây giờ sợ nhất phụ huynh và học sinh", tôi nghe nhiều người đứng trên bục giảng nói đùa như vậy, và thấy đúng thật.
- Tôi chạnh lòng vì làm giáo viên 21 năm lương không bằng công nhân trẻ
- 'Miễn học phí cho con giáo viên vì đâu phải ai cũng có thể dạy thêm'
- Con tôi ở Pháp không biết học thêm là gì
- Cuống cuồng tìm lớp cho con học thêm bảy ngày một tuần
- Dạy thêm làm gì khi có quá nhiều học sinh giỏi?
- Nỗi sợ vô hình khi không cho con học thêm