Tôi là một giáo viên dạy tự do tại nhà. Các học sinh của tôi đa phần là do người trước giới thiệu người sao tìm đến. Nếu tôi dạy tốt thì phụ huynh gửi con đến học giới thiệu thêm con em bạn bè của họ, nếu tôi dạy không tốt thì họ rời đi, tất cả hoàn toàn là tự nguyện, không hề ép buộc. Nói về câu chuyện dạy thêm, học thêm đang gây nhiều tranh luận trái chiều thời gian gần đây, tôi xin có vài điều chia sẻ:
Thứ nhất, giáo viên cũng giống như bất cứ nghề nghiệp nào khác, cũng có người này người kia. Do đó, chúng ta không nên đánh đồng tất cả thầy cô mở lớp dạy thêm đều là tiêu cực. Điều đó rất tội nghiệp cho các giáo viên chân chính. Nhưng nếu không phản ánh tiêu cực thì xã hội cũng không thể phát triển. Thế nên, tôi mong rằng chúng ta sẽ cân nhắc đúng người, đúng hành vi, để tìm cách giải quyết thay vì "vơ đũa cả nắm" đòi dẹp bỏ hoàn toàn dạy thêm, học thêm chỉ vì vài trường hợp tiêu cực.
Thứ hai, thực tế hiện nay, mỗi lớp trung bình có sĩ số 40-50 học sinh. Trong khi đó, mỗi tiết dạy chỉ kéo dài 45 phút, mà mỗi em lại có trình độ nhận thức, khả năng tiếp thu khác nhau, ý thức học tập cũng không đồng nhất nhau... Vậy thử hỏi, làm sao thầy cô giảng bài trên lớp có thể đảm bảo tất cả 100% học sinh của mình sẽ hiểu đầy đủ được nội dung bài học và không cần học thêm?
Ví dụ, ở nhà phụ huynh chỉ dạy hai, ba đứa con mà còn vô vàn khó khăn, chứ đừng nói thầy cô dạy 40-50 học sinh trên lớp. Do đó, tôi cho rằng, để đánh giá hoạt động dạy thêm, học thêm, rất cần có cái nhìn đồng cảm, đừng cho rằng thầy cô nào cũng cố tình không dạy hết kiến thức trên lớp để mở lớp dạy thêm kiếm tiền ngoài.
Cá nhân tôi dạy thêm tại nhà, mỗi nhóm chỉ dưới 10 học sinh vì tôi quan điểm lớp ít mới chất lượng, do tôi sẽ có đủ thời gian để quan tâm tới khả năng tiếp thu của từng học sinh. Thế nên, các phụ huynh nếu có tìm lớp học thêm cho con thì tốt nhân nên chọn lớp không quá đông để đạt hiệu quả tốt nhất. Tôi tin khi đó các bạn sẽ nhận ra giá trị của việc học thêm chứ không hình thức, sáo rỗng như nhiều người cho con học các lớp đông vẫn nghĩ.
Thứ ba, nhiều phụ huynh gửi con đi học thêm là do họ không có thời gian, không quản lý được con ở nhà. Đơn giản vì không phải bố mẹ nào cũng có đủ cái uy và kiến thức để dạy trẻ. Thế nên, nhiều em ở nhà chỉ toàn dùng điện thoại và xem tivi. Nghiện điện thoại là một thực tế phũ phàng ở nước ta hiện nay, làm cho thế hệ trẻ mê muội, thiếu kỹ năng giao tiếp. Nói gì thì nói, ba mẹ dạy sẽ không thể dạy trẻ tốt bằng thầy cô. Thế nên, nhiều gia đình có điều kiện muốn gửi con cho thầy cô dạy dỗ ngoài giờ học trên lớp cũng là nhu cầu chính đáng.
Thứ tư, các học sinh muốn giỏi thì ngoài tố chất tự nhiên, phải có cả tính chủ động, tự giác học hành, kỷ luật gương mẫu. Nhưng số lượng này là rất nhỏ vì đa số trẻ con đều ham chơi hơn ham học. Vậy thử hỏi có bao nhiêu cha mẹ tự tin mình có thể làm gương cho con cái trong việc hình thành ý thức học tập?
Thứ năm, việc học không phải là chơi, muốn học thì phải tập trung, chú tâm. Trong khi đó, kiến thức ở lớp chỉ mang tính bao quát, học sinh muốn đào sâu tìm hiểu thì phải tự học, tự mua sách về luyện tập, làm nhiều mới giỏi được và không cần học thêm. Nhưng muốn giỏi thì phải có thầy chỉ rõ được bản chất vấn đề, phương pháp giải quyết... mà những cái này chắc chắn thầy cô chẳng thể có đủ thời gian để truyền đạt trên lớp.
Thứ sáu, xin nhấn mạnh là không ai có quyền ép con bạn học thêm nếu bản thân gia đình bạn không cho phép điều đó. Nếu con bạn học giỏi, chúng sẽ có tư duy phản biện thầy cô ngay khi bị ép buộc, hoặc bạn có thể lên tiếng để phản đối việc cho con đi học thêm. Còn nếu phụ huynh không có đủ chính kiến để phản biện thì đó là lỗi của chính họ. Nhưng thực tế, rất nhiều học sinh và phụ huynh có nguyện vọng đi học thêm để củng cố kiến thức. Đó hoàn toàn là mong muốn tự nguyện.
Cuối cùng, tôi thấy việc dạy thêm sẽ là chính đáng, nếu nhu cầu xuất phát từ chính phụ huynh và học sinh. Tất nhiên, theo tôi, vẫn cần có những sự can thiệp để chấn chỉnh hoạt động dạy thêm. Cụ thể, cần cấm chính giáo viên dạy thêm cho học sinh trên lớp của mình. Điều đó sẽ giúp bỏ đi tính tiêu cực, ép buộc, do sức ép tâm lý phải làm vừa lòng thầy cô. Ngoài ra, việc học sinh được chọn học thêm người thầy khác giỏi hơn, phù hợp hơn là cách để mở rộng cơ hội, tư duy cho các em, thay vì chỉ được học một người thầy duy nhất.
- Cuống cuồng tìm lớp cho con học thêm bảy ngày một tuần
- Dạy thêm làm gì khi có quá nhiều học sinh giỏi?
- Lương giáo viên dưới 10 triệu đồng
- Cháu tôi học thêm từ lớp 1
- Nỗi sợ vô hình khi không cho con học thêm
- 'Phụ huynh lớp con tôi đề nghị cô giáo mở lớp học thêm'