Tôi là người có hơn 15 năm giảng dạy và công tác điều phối, quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Hiện tôi đang học và thực hành về giáo dục hạnh phúc. Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ đôi điều để gửi gắm đến các thầy cô giáo cho dịp Tết gần kề, mong rằng chúng ta hãy luôn chăm sóc tốt chính mình để có thể làm tốt công tác giảng dạy và tìm thấy niềm vui mỗi ngày.
Trong suốt quá trình công tác, tôi nhiều lần chứng kiến các đồng nghiệp của mình "cháy" hết mình cho công việc đến mức bỏ bê cả bản thân, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức triền miên. Tôi cứ tự hỏi, giáo viên nên làm gì để có thể biến mình thành những thầy cô giáo hạnh phúc? Bởi lẽ, giáo viên không chỉ đơn thuần là người giảng dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn "sắm" nhiều vai khác: người dạy, người hướng dẫn, nhà tâm lý, người truyền cảm hứng, hình mẫu để noi theo, hoặc có khi còn được phụ huynh gửi gắm giao khoán luôn đứa trẻ.
Nhận một vai đã cực, gom hết lại các vai cho tròn là càng là thử thách, dẫn đến tình trạng nhiều thầy cô thường xuyên trong trạng thái quá tải. Tôi nhớ trong mỗi lần hướng dẫn an toàn trước giờ bay, các tiếp viên hàng không đều dặn đo hành khách rằng trong trường hợp khẩn cấp, hành khách phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho bản thân mình trước khi hỗ trợ người khác. Tức là bạn phải đảm bảo an toàn cho mình rồi mới được nghĩ tới chuyện giúp đỡ người khác. Đây không phải là biểu hiện của sự ích kỷ, mà là một cách làm khoa học, đúng đắn.
Tương tự với giáo viên, chúng ta cần nhớ rằng bản thân mình cần được chăm sóc tốt trước thì mới có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần để làm những việc khác. Thực tế đã chỉ ra ranh giới giữa tinh thần trách nhiệm trong công việc của người giáo viên và sự mong đợi vượt quá giới hạn (đôi khi không rõ ràng và rất mơ hồ) từ xã hội.
Nhiều thầy cô yêu nghề luôn không ngừng tìm tòi, nỗ lực để mang lại nhiều giá trị có ích hơn nữa cho học sinh, hoặc nhiều thầy cô được mong đợi phải "bao trọn" từ A đến Z, chỉ vì họ là giáo viên, phải luôn ưu tiên cho học sinh bất kể giờ giấc. Và điều ngược lại cũng thường xảy ra: sự hời hợt, vô tâm trong công việc của vài người làm giáo dục lại được chính chủ nhận định rằng mình đã luôn cố gắng trong công việc.
Trang Self-care for Teachers (Australia) từng đăng tải câu nói: "You are a person first, a teacher second." (tạm dịch: "Bạn phải là con người trước, rồi mới có thể là một giáo viên". Đây là câu nhắc nhở thầy cô phải nhớ thực hành tự chăm sóc bản thân thường xuyên. Ta phải có ý thức chăm sóc bản thân thì mới có thể làm tốt công việc của mình. Tôi thấy điều này đúng với tất cả ngành nghề, đặc biệt là với giáo viên lại càng cần được quan tâm, chú ý hơn.
>> Giáo viên như tôi mất ngày 'Tết thầy'
Vậy, chúng ta có thể chăm sóc bản thân bằng cách nào?
Thứ nhất, hãy bắt đầu ngày mới với năng lượng tích cực. Tùy vào thói quen và sở thích của mỗi người, đó có thể là việc dậy sớm tập yoga, thiền, viết sổ biết ơn, viết nhật ký, đọc sách, hay đơn giản là ngồi nhìn ra cửa sổ và uống ly cà phê. Tôi thường bắt đầu ngày mới bên các bạn cún cưng của mình. Bắt đầu ngày mới với hình thức nào cũng được, nhưng ta cần chú ý đến trường đi dạy đúng giờ (úng giờ nghĩa là ta đến trước hoặc đúng giờ làm việc, không tính thời gian ăn sáng, trang điểm).
Thứ hai, sinh hoạt điều độ, vận động thường xuyên. Chăm sóc bản thân là cách hữu hiệu để giữ năng lượng và chất lượng công việc. Chúng ta khó lòng có thể đạt kết quả tốt khi cả tinh thần lẫn thể chất đều kiệt quệ. Đơn giản và hiệu quả nhất là uống đủ nước. Lượng nước cần uống mỗi ngày = cân nặng x 35 ml (tùy độ tuổi, con số có thể dao động từ 30-40 ml/kg). Trong điều kiện công việc quá bận rộn ở trường, về nhà lại phải chăm lo cho gia đình, chúng ta có thể tăng thời gian đi bộ, hoặc vận động tại chỗ, hoặc thừ tập pilates với bức tường, hoặc vài động tác trên giường cũng có tác dụng.
Thứ ba, tìm cho mình một cộng đồng lành mạnh. Khi được ở trong một cộng đồng lành mạnh và tích cực, chúng ta sẽ có cơ hội phát triển bản thân vừa nhanh vừa đúng cách, lại vừa có thể cùng nhau lớn mạnh. Việc tìm cho mình những đồng nghiệp cùng giá trị, cùng động viên nhau không ngừng tiến bộ cũng cần được ưu tiên. Quan trọng, chúng ta nên cho mình được ở gần những người giỏi hơn mình, hoặc ta biết cách nhìn ra điểm mạnh của từng cá nhân.
Như thế, chúng ta vừa được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, vừa có môi trường trao đổi ý tưởng giáo dục. Trước giờ, tôi thấy mình may mắn vì trong môi trường nào cũng được làm việc cùng những người giỏi thật sự - những anh chị em nói được làm được (đương nhiên chỉ giỏi nói cũng là một loại tài năng).
Chỉ khi chúng ta biết tự chăm sóc chính mình, cả về tinh thần, thể chất và chuyên môn, chúng ta mới có thể đường dài gắn bó với nghề và không ngừng nuôi dưỡng đam mê trên hành trình giáo dục. Càng gần đến Tết, tôi lại càng mong các thầy cô, anh chị em đồng nghiệp của mình dành thêm thời gian quan tâm đến bản thân, để có tinh thần và sức khỏe sẵn sàng đón Tết cùng gia đình và khởi đầu năm mới trọn vẹn cùng học sinh.
>> Chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.