Câu nói "Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy" từ lâu đã là một cách thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo quý báu của dân tộc ta. Thế nhưng, dường như vị thế của người thầy đang có phần bị mờ nhạt đi ít nhiều trong suy nghĩ và hành động của các thế hệ trẻ ngày nay.
Ý nghĩa ngày Tết thầy giờ chỉ còn phảng phất đâu đó qua các câu chuyện của các bậc làm cha, làm mẹ. Còn những ngày Tết đến, đặc biệt ngày mùng Ba Tết, rất hiếm khi chúng ta còn bắt gặp bóng dáng của nhân vật người thầy. Phần lớn học trò ngày nay không còn biết đến vì sao ngày lại có ngày Tết thầy? Và trong ngày Tết học trò cần phải làm gì để tỏ lòng biết ơn với thầy cô giáo?
Ý nghĩa của ngày Tết thầy
Tri ân người có công dạy dỗ, rèn luyện chúng ta nên người là nghĩa cử cao đẹp của học trò. Đến với người thầy trong ngày mùng Ba Tết, bên cạnh việc thể hiện sự hiếu nghĩa Tôn sư trọng đạo, người học trò như được điểm chỉ, mở ra những ý tưởng mới, tươi sáng hứa hẹn một năm học mới tràn đầy năng lượng, đưa đường dẫn lối để những người "trưởng tràng - lớp học trò trưởng thành" của thầy làm ăn thuận lợi, gặt hái thành công.
Ngày Tết thầy mang ý nghĩa sâu sắc là như vậy, Thế nhưng vị thế người thầy trong thực tế hiện nay đã trên đà tuột dốc. Tình cảm trong mối quan hệ giữa thầy và trò đang có chiều hướng nhạt phai.
Trọng trách người thầy ngày nay
Khi nói đến vị thế người thầy, tôi không bênh vực hay thiên vị cho công việc của mình. Tất cả chúng ta rất dễ nhận ra rằng trong hoàn cảnh nào, ở thời đại nào thì người thầy cũng luôn luôn có một chuẩn mực nhất định, giữ được cương vị và trọng trách của mình trước các bậc cha mẹ, học trò và trước toàn xã hội. Người thầy và giáo dục - đào tạo là những thành tố không thể tách rời. Điều đó cho thấy tâm thế người thầy luôn không thay đổi. Nhưng chuyện "một con sâu làm rầu nồi canh" tất nhiên khó kiểm soát và khó tránh khỏi.
Sự nhạt nhòa, lạnh nhạt phải chăng do học trò?
Nếu đem câu chuyện này trút hết lên cho các đứa trẻ thì quả thật là việc không nên và không thể. Bởi các con cũng đang miệt mài, chăm chỉ học tập, vẫn có những hành động, thái độ đúng đắn và tích cực. Các thế hệ học trò của tôi vẫn đang ngày đêm cần mẫn phát huy tích cực những ý tưởng, hoài bảo mà thầy cô đã vun đắp. Các con vẫn từng giờ gặt hái những thành công, những thành quả tốt đẹp cho thầy cô, cho nhà trường và toàn xã hội.
Thầy cô và giáo dục - đào tạo có thể nói là hai thành tố quan trọng không thể tách rời hình thành nên những lớp người mới cho toàn xã hội. Khi một trong hai thành tố này không thể đồng bộ, không thể sánh bước song hành thì tất nhiên xã hội không thể nào có sự tiếp nối, kế thừa và phát triển. Như vậy, lớp người mới trực tiếp tận hưởng được sự giáo dục và đào tạo để trở thành con người mới đủ đức đủ tài tất cả đã hiện rõ ở trọng trách người thầy.
Nếu vị thế người thầy đã mất đi thì sự tôn kính, trân trọng và làm theo những điều mà người thầy - giáo dục và đạo tạo cũng sẽ bị hạn chế và lệch lạc. Cha mẹ nói các con không nghe, thầy cô chỉ bảo các con không làm hoặc thầy cô dạy bảo một đường các con làm một nẻo. Đấy là hệ lụy của vị thế người thầy suy giảm hoặc không còn.
>> Tết thầy
Vì đâu nên nỗi?
Các thế hệ học trò của chúng ta hoàn toàn không có lỗi. Tôi thiết nghĩ, câu chuyện này xuất phát từ dòng chảy của nhịp sống số ngày nay. Sự tiến bộ và phát triển vượt bậc của công nghệ luôn tìm đến những lối đi riêng, những điều thú vị, mới lạ, và bỏ lại sau lưng tất cả những gì mà nó đã đi qua. Xu hướng kinh tế biến động đã lấy mất của thế hệ cha anh thời gian để quay về, nhìn lại, tôn tạo những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Những trò chơi, video, những hành động khiếm nhã... trên trang mạng xã hội đã đẩy biết bao thế hệ học trò xa rời thực tế, quên đi, không quan tâm đến cội nguồn của những giá trị cuộc sống tốt đẹp mà các con đang được tận hưởng.
Nhịp sống số ngày nay là nhu cầu là sự tiến hóa. Và như vậy nó cũng không phải là nguyên nhân chính để xảy ra sự chênh vênh trong đạo thầy trò. Mà nguyên nhân sâu xa nhất là sự lãng quên một cách vô tình. Xã hội chúng ta đang để mất đi sự nhắc lại. Thời công nghệ ngày nay, nếu chúng ta tích cực tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, phát huy hơn nữa tinh thần tri ân người thầy thì những thành quả, những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông ta để lại sẽ được lưu truyền và phát triển.
Mùng Ba Tết thầy trong ký ức
Trước đây, thời tôi mới vào nghề, mọi việc còn rất khó khăn, nghề dạy học chưa được quy củ và chuẩn mực như ngày nay. Xã hội cũng không được tươm tất, sung túc như bây giờ. Vậy mà, các bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo. Người thầy rất được quan tâm, chăm sóc và được tôn trọng hết mực.
Trong những ngày Tết sắp đến, phụ huynh luôn đến thăm hỏi, chia sẻ những "món ngon, vật lạ" mà gia đình có được như: cải muối, dưa muối, cá khô, nước mắm cá linh, rồi thịt kho, những nhánh mai... rồi cả rượu gạo đến biếu thầy để đãi khách trong ngày Tết. Phụ huynh và học sinh không chỉ rủ nhau đến chúc Tết thầy mà còn đón rước thầy về nhà cũng ăn Tết để "lấy lộc, lấy hên". Nghèo mà vui, ấm tình non nước là chỗ đấy.
Tôi nhớ mãi câu nói của một vị phụ huynh có con từng học tôi những năm 1997 tại An Giang: "Trời ơi, nghe gia đình nói rước thầy về nhà ăn Tết, con tôi nó mừng không ngủ luôn. Thầy đến nhà lần này khai nhãn nó giúp gia đình tôi, chắc nó sẽ học giỏi lên luôn". Như một phép màu, em học sinh ấy đúng thật đã trở thành học sinh giỏi các cấp trong khi trước đó chỉ là một học sinh trung bình.
Chính sự động viên, sự gần gũi của thầy, cộng với sự quan tâm, gắn kết, hướng con cái đến những truyền thống quý báu, những giá trị chân - thiện - mỹ sẽ kích hoạt mạnh mẽ những thành quả thực, mà đôi lúc chúng ta không cần phải nỗ lực đợi chờ.
Giữ lấy Tết thầy
Để giữ được và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống tốt đẹp của Tết thầy trong xã hội hiện nay, việc tuyên truyền và quảng bá sâu rộng toàn dân là không thể thiếu. Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, mặc dù công nghệ đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ, vượt bậc, nhưng chỉ thi thoảng mới có một vài dòng chữ, vài tin nhắn, một chút rất ít bài viết về ngày Tết thầy. Truyền thông đã không còn mạnh mẽ thì con đường tìm đến thầy, thể hiện tình cảm với thầy nhân ngày Tết đến tất nhiên cũng sẽ trở nên lạnh lùng, hiu quạnh.
Tôi thiết nghĩ, ý nghĩa và giá trị của ngày Tết thầy cần phải nhanh chóng được tái hiện lại bằng những việc làm cụ thể, để tất cả các thế hệ thấy được giá trị đích thực của nó. Cần phải có cái nhìn đúng đắn và phải ghi nhận thực tế một điều hiển nhiên: có lòng tôn trọng, hiếu kính mới có suy nghĩ và việc làm đúng đắn.
Việc tôn sư trọng đạo, thể hiện thái độ hiếu kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã dạy dỗ mình, là việc làm không thể thiếu đối với mọi thế hệ học trò. Và đây chính là việc làm hàng đầu để chứng nhận thế hệ mới là những con người mới – con người có giáo dục và được đào tạo.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.