Tôi quen một người chị là giáo viên dạy Văn ở TP Vinh (Nghệ An) luôn tâm huyết với "nghề trồng người". Chị vừa là một người thầy, người mẹ, vừa là một người bạn gần gũi và dành tình thương yêu vô bờ bến cho các học sinh. Tôi và chị có duyên quen nhau từ hồi đi học nghiên cứu sinh năm 2014. Chị là nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2013, tôi là nghiên cứu sinh đợt 1 năm 2014 của cùng một cơ sở giáo dục.
Chúng tôi làm chị em được chín năm, tuy ít có cơ hội gặp nhau nhưng trong thâm tâm tôi luôn nể phục nhân cách của chị, coi chị là một tấm gương sáng để học tập trong cách đối nhân xử thế với người thân, bạn bè, phụ huynh, học sinh...
Ngày 17/11, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị. "Ngày 20/11 em có rảnh không?", chị hỏi. Tôi trả lời: "Em vẫn đi làm bình thường vì buổi sáng đó trường em tổ chức lễ mít tinh". Chị lại hỏi: "Thế ngày 19/11 em có được nghỉ không?". Tôi trả lời: "Em được nghỉ". Thế là chị thông báo: "Tối 18/11 hai mẹ con chị đi xe giường nằm từ Vinh ra Hà Nội. Khoảng 6h sáng19/11 đến nhà em. Chị em mình đi chơi với nhau một ngày nhé".
Tôi vô cùng phấn khởi vì bao nhiêu năm mới có dịp chị ra nhà tôi chỉ để đi chơi chứ không phải lý do đi giải quyết việc gia đình như mọi lần. Tôi lên lịch trình đi chơi ở đâu, ăn ở địa điểm nào cho hai ngày để dẫn mẹ con chị đi. Tôi biết không phải tự nhiên chị ra Hà Nội. Năm nào cứ đến ngày lễ 20/11 là chị lại dẫn con gái về quê hoặc đi du lịch. Gọi là đi du lịch cho sang chứ thực ra là chị đi trốn chạy học sinh và phụ huynh. Chị không muốn nhận quà chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, chị đã nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh rằng: "Không nhận bất cứ món quà nào từ phụ huynh và học sinh". Chị là một giáo viên dạy môn Văn vô cùng tâm huyết với nghề, yêu thương học trò. Chị được rất nhiều học sinh quý mến. Nếu ngày lễ 20/11 chị ở nhà thì kiểu gì các thế hệ học trò cũ và mới lại tìm đến nhà chị, tặng hoa chị.
Chị từng tâm sự như vậy với tôi: "Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn lắm em ạ. Chị không muốn các em học sinh và phụ huynh phải suy nghĩ, phải áy náy vì không có tiền mua tặng quà cho cô giáo như các bạn khác. Đối với chị, việc tri ân thầy, cô giáo không nhất thiết cứ phải đến tận nhà thăm hỏi và tặng quà. Để tri ân với thầy cô, các em cứ ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học, học giỏi là món quà tuyệt vời nhất rồi.
Hơn 20 năm làm giáo viên, món quà quý giá nhất mà học sinh tặng chị là lớp lớp thế hệ học sinh đỗ đạt, thành đạt trong học tập và công việc. Đó là tài sản vô giá mà mỗi thầy cô giáo đều muốn tích lũy dần theo năm tháng, sự thành công của học trò là món quà quý giá nhất với người thầy. Do vậy mà cứ đến gần ngày lễ 20/11 là chị dẫn con về quê hoặc đi du lịch, không ở nhà để không ai có thể tìm thấy chị, không ai tặng hoa và quà cho chị nữa", chị nói.
Tôi phản biện lại ý kiến của chị rằng: "Dịp 20/11 là ngày lễ quan trọng, học sinh cũng như phụ huynh có quyền bày tỏ sự tri ân của mình đến thầy cô đã có công dạy dỗ con em họ. Đây là truyền thống 'tôn sư trọng đạo' tốt đẹp từ xưa đến nay của dân tộc Việt Nam. Với thầy cô, nhiều món quà lại có ý nghĩa tinh thần tốt, nhất là những món quà học sinh tự tay làm tặng thầy cô, giúp khích lệ tinh thần, để giáo viên hăng say hơn trong sự nghiệp giáo dục, thêm gắn kết với các thế hệ học trò và thêm yêu nghề hơn.
Tặng quà thầy cô một cách vô tư, không vụ lợi, thầy cô cũng nhận món quà với tinh thần công tâm, không phân biệt đối xử thì những món quà đó sẽ trở nên đầy ý nghĩa. Xã hội tôn vinh nghề giáo vì cái tâm với học trò, tôn vinh những người đã chọn nghề vì thế hệ trẻ, vì sự tiếp nối, truyền đạt dòng tri thức, văn hóa của dân tộc, của nhân loại, chứ không phải vì quyền lợi vật chất. Em nghĩ rằng chị là một giáo viên tận tụy với học trò, luôn yêu thương học trò, nên không nhất thiết phải trốn học sinh và phụ huynh vào ngày lễ như vậy.
Với tư cách là phụ huynh của hai cô con gái, em nghĩ rằng việc tri ân thầy cô là hoàn toàn bình thường. Lương giáo viên của các thầy cô quá thấp trong khi đó cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo. Nếu như tặng phong bì đến các thầy cô trong những ngày này, em nghĩ là rất bình thường, cũng như là lời cảm ơn đối với các giáo viên đã vất vả với con của mình. Việc tặng quà chỉ đáng lên án khi nó bị biến tướng, trở thành động cơ mưu cầu thực dụng. Khi tặng quà bị biến tướng, nó sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình phụ huynh và ảnh hưởng xấu tới cả xã hội".
>> Xã hội khắt khe với giáo viên, còn học trò thì sao?
Hai chị em tôi vừa đi tham quan một số địa điểm ở Hà Nội vừa tranh luận về việc có nên nhận quà ngày 20/11 hay không? Dù tôi có nói thế nào thì chị vẫn giữ nguyên quan điểm không nhận quà từ học sinh và phụ huynh vào ngày lễ này. 8h sáng đi bộ ra ga Hà Đông để đi tàu điện ra Cát Linh, chị đã giục tôi chụp ảnh để chị đăng lên Facebook cho học sinh biết là chị đang ở Hà Nội, đừng gọi điện hay đến nhà tìm chị nữa.
Tất nhiên, mỗi người có một quan điểm sống riêng. Tôi tôn trọng suy nghĩ và lựa chọn của chị. Đối với tôi, việc có nên tặng quà giáo viên ngày 20/11 hay không là quan điểm riêng của từng người, không bàn đúng hay sai, cấm hay không cấm. Tôi chỉ mong muốn tất cả những người đang làm nghề giáo sẽ luôn phấn đấu, trau dồi chuyên môn để có những giờ học hay, tạo hứng thú cho học trò.
Không dừng lại ở đó, các thầy cô còn phải xây dựng cho mình một lớp học hạnh phúc theo cách của riêng của mình. Tôi tin tưởng rằng, bằng lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề và hành trang tri thức của những thầy cô như vậy sẽ đào tạo ra những lứa học trò có tâm, có tầm, có tri thức.
Vũ Thị Minh Huyền