Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Những ngày này, câu chuyện thưởng Tết đã bắt đầu xôn xao trong tâm trạng thấp thỏm của người lao động. Nhưng viên chức nhà nước như tôi lại không quan tâm bởi mức thưởng Tết năm nào cũng thấp như thế, có cũng như không, không có sự thay đổi đột biến như doanh nghiệp tư nhân.
Đối với người lao động, thưởng Tết là một khoản vô cùng quan trọng và luôn được mong chờ vào những dịp cuối năm. Thời điểm này, người lao động cần tiền để mua quần áo mới cho con, quà cáp biếu hai bên gia đình nội ngoại, họ hàng, vé xe, vé tàu, vé máy bay, mua sắm thực phẩm cho gia đình trong kỳ nghỉ và nhiều khoản quan trọng khác. Đối với nhiều người, không có thưởng Tết coi như không có Tết, nhất là những người lao động thu nhập thấp.
Là giảng viên có thâm niên, cô bạn tôi chia sẻ "năm nay sẽ được nhận 5 triệu đồng tiền thưởng Tết". Bản thân tôi cũng đang công tác ở một trường đại học công lập, nhưng không bao giờ quan tâm thưởng Tết vì mức chi bao nhiêu đều đã được quy định rõ trong quy chế chi tiêu nội bộ. Chúng tôi không cần đợi đến cuối năm mới biết mức thưởng như người lao động ở doanh nghiệp.
Tâm lý chung của chúng tôi là không dám mong được tăng mức thưởng Tết, chỉ mong giữ được như trước giờ đã là may lắm rồi. Ngân sách giảm xuống, học phí thu của sinh viên không được phép tăng, nhà trường không có nguồn thu nào khác, nên mỗi năm thu nhập của giảng viên vì thế mà bị giảm đi. Thưởng Tết của chúng tôi mấy năm trước còn ở mức 5 triệu đồng một người, nhưng bây giờ bị giảm đi chỉ còn 3.500.000 đồng.
Với nhiều lao động thâm niên ở các doanh nghiệp tư nhân, con số này quả thật đáng thất vọng, không biết sẽ phải chi tiêu thế nào cho gia đình, có khi đi siêu thị mua đồ một lần là hết luôn tiền thưởng Tết, chứ chưa nói gì là quà cáp biếu hai bên gia đình nội, ngoại, hay đi ngoại giao... Đi làm cả năm, chẳng lẽ đến ngày Tết không có gì biếu bố mẹ, không mua sắm được bộ quần áo mới cho các con, không mua đồ ăn ngon để ăn Tết, không đưa gia đình về quê thăm ông bà, họ hàng hay đi chơi...?
Ở quê, ai cũng nghĩ người làm ở Hà Nội như tôi đương nhiên sẽ có thu nhập cao, thưởng Tết nhiều. Nhưng người ta đâu biết rằng mức sinh hoạt phí ở thủ đô quá cao, kinh tế lại khó khăn, thu nhập giảm đi, trong khi các khoản chi phí cho con đi học chỉ tăng lên chứ không giảm, không thể bảo nhà trường cho nợ học phí "vì tôi chưa được nhận lương".
Như tôi, phải tầm mùng 8 đến mùng 10 hàng tháng mới có lương, nhưng các khoản học phí cho hai con đều phải hoàn thành từ mùng 1 đến mùng 5. Đã sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi con, phải nộp học cho con đúng hạn. Nộp tiền chậm sẽ bị nhắc tên, con sẽ xấu hổ với các bạn. Vì thế, dù có khó khăn đến mấy, tôi cũng phải tìm mọi cách có tiền nộp học cho con đúng quy định của nhà trường.
>> Nhân viên quèn chê thưởng Tết bèo bọt
Với thu nhập và thưởng Tết không đủ sống, buổi tối và cuối tuần, tôi vẫn phải làm thêm nhiều việc khác để kiếm tiền. Nhưng với tôi, mức thưởng đó vẫn còn là điều may mắn bởi tôi biết đồng nghiệp ở nhiều trường khác thậm chí còn không hề có khái niệm thưởng Tết. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần, không có tiền trả lương cho nhân viên, người lao động bị nợ lương, bị sa thải, việc làm còn không có thì nói gì đến lương và thưởng Tết.
Nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống cũng còn có nhiều người khó khăn hơn mình rất nhiều. Tôi làm ở đơn vị sự nghiệp công lập, không có khoản thu gì ngoài học phí, nên không thể đòi hỏi thưởng Tết nhiều, chỉ mong nhà trường có thể mở thêm nhiều mã ngành, tuyển sinh thêm được nhiều sinh viên, thu nhập của viên chức tăng thêm một chút, để chúng tôi trang trải cuộc sống, có thêm động lực tập trung làm việc.
Theo nghề giáo viên, tôi đã dành cả thanh xuân để cống hiến, nên không phải cứ lương, thưởng thấp là sẽ nghỉ việc ngay. Nhưng với thu nhập thế này, quả thực chúng tôi không biết mình còn tâm trí, nhiệt huyết để cháy hết mình với nghề không nữa?
Tất nhiên, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động. Việc thưởng Tết cho người lao động hiện nay áp dụng theo quy định về tiền thưởng tại Bộ luật Lao động năm 2019. Như vậy, việc trả tiền thưởng Tết chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động. Việc thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay khi người lao động không hoàn thành công việc theo quy định, họ hoàn toàn có thể không nhận được thưởng Tết.
Tuy nhiên, thưởng Tết cũng là cách giữ chân người lao động, tránh biến động lao động sau Tết, nhất là khi nhiều khu công nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng. Chính vì vậy, công ty nào có chế độ thưởng tết cao thường người lao động sẽ gắn bó lâu hơn, ít có trường hợp nghỉ việc ồ ạt. Với người lao động, thưởng Tết ngoài giá trị vật chất còn mang ý nghĩa tinh thần. Đó là nguồn động lực để người lao động chăm chỉ làm việc hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm lỗ năm lãi là rất bình thường. Nhưng không có thưởng Tết sẽ tác động đến tâm lý người lao động. Do đó, những doanh nghiệp làm ăn gặp khó khăn cũng cần phải tìm giải pháp, tiết kiệm các khoản, không nhiều thì ít, được một tháng lương cơ bản, thậm chí nửa tháng thưởng cho người lao động để họ yên tâm để chi tiêu dịp Tết, từ đó tiếp tục gắn bó trong năm tới.
Ai đi làm cũng mong có lương, thưởng cao để lo cho gia đình một cuộc sống sung túc, ấm no. Nhưng khi nền kinh tế rơi vào hoàn cảnh khó khăn chung, chúng ta cũng không thể chỉ biết đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải trả thưởng Tết cao như mình mong đợi. Người lao động cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp nếu thưởng Tết không như kỳ vọng bởi những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã rất khó khăn.
Đằng sau chuyện hàng nghìn công nhân bị nghỉ việc trước Tết cho thấy một thực tế là sức mua trên thế giới đang giảm đi rất nhiều, nhiều ngành nghề có thể sẽ không có thưởng Tết. Song, đây cũng là khó khăn chung mà người lao động và doanh nghiệp nên cùng chia sẻ để phục hồi sản xuất sau dịch. Vì thế, cần có sự đồng lòng của cả hai bên.
>> Thưởng Tết của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.