Tôi mất năm năm đi tìm ý nghĩa cuộc đời, tìm mục đích sống. Những trải nghiệm khi sống ở Sài Gòn hơn 20 năm có lẽ đã quá đủ, gần như dư thừa. Cuộc sống trong những ngôi nhà cao tầng, nhìn xung quanh chỉ toàn bê tông hóa, hàng quán ăn uống sang trọng mọc lên khắp nơi, xe hơi xe máy chật kín, khói bụi ô nhiễm.
Tôi tự hỏi tại sao con người phải sống như thế, nhốt mình trong bốn bức tường? Cách ly mình khỏi tự nhiên để kiếm tiền, thật nhiều tiền, sau đó lại dành những ngày nghỉ hiểm hoi để "du lịch nhanh", mỗi nơi chỉ đến tham quan được một giờ rồi phải chạy đến nơi khác.
Vậy nên tôi quyết định rời thành phố, đi tìm cái gì đó mà tôi chưa biết, tìm kiếm tự do thật sự. Thế là tôi đi cùng mấy người anh mới quen, trong túi có tầm 100 nghìn đồng, đi theo các anh ấy dự buổi gặp mặt của những người đang và đã làm nông nghiệp hữu cơ ở Kon Tum.
Gặp mọi người, nghe mọi người chia sẻ đam mê về nông nghiệp hữu cơ thật sự thú vị, ai cũng rất nhiệt huyết mặc dù biết rằng con đường ngược lối ấy sẽ khó đi. Cuối cùng thì mỗi đời người, suy cho cùng cũng chỉ là giải quyết những việc thiết yếu như thức ăn, nơi chốn, ăn mặc và bệnh tật.
Một là, ăn cho đủ no, đủ chất ở thời đại này sao thật khó, nhìn đâu cũng thấy thuốc độc. Vậy nên nhà nào nhà nấy tự lo trồng rau mà ăn để khỏi lo ăn nhầm hóa chất. Phong trào bỏ phố về rừng không phải là không có nguyên do.
Hai là nơi ở. Nhà thành phố bây giờ hiện đại quá, nhà nào cũng có nhiều phòng ốc, đầy đủ tiện nghi, máy điều hòa nhiều. Hiện đại thì hại điện, dùng nhiều năng lượng thì phải khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên, rừng bị chặt nhiều thì lũ cũng nguy hiểm hơn, cát đá bị khai thác thì sông ngòi bị thay đổi, nước lũ không biết thoát về đâu.
Âu cũng không trách được mấy bạn trẻ bỏ phố về rừng, sống trong mấy túp lều tranh hai quả tim vàng, cũng có lý do cả. Hy sinh cái tuổi thanh xuân náo nhiệt, trốn lên núi cao để lắng nghe chim chóc hót, cũng không dễ có mấy bạn vững chí.
Ba là ăn mặc. Cái này tưởng chừng dễ mà không dễ, mấy ai tự tin ăn mặc quần áo lắm lem như người nông dân chân chất? Giờ ra đường phải diện quần áo đẹp, Tết phải mua sắm đồ mới. Cuối cùng nhà nào nhà nấy có ba cái phòng cũng không chứa hết đồ mình đã mua. Nên xu hướng mới bây giờ là mua đồ second hand để mặc, vừa rẻ mà vừa có nhiều lựa chọn, lại xì- tai nữa.
Bốn là bệnh tật, nếu mà sống gần thiên nhiên, ăn thực phẩm lành mạnh, sống tối giản, lao động vừa sức thì lo gì bệnh tật đến thăm. Nhìn ông bà ngày xưa, khi chưa có nước ngọt, thực phẩm chức năng... ai nấy cũng có chín, mười người con. Có người làm nông, người làm văn phòng, ai cũng thọ 80 đấy thôi. Suy cho cùng, đời người chỉ cần học biết đủ là sẽ hạnh phúc và tự do.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.