Những năm gần đây rộ lên phong trào bỏ phố về quê. Có lẽ câu chuyện "hay là mình bỏ hết về quê trồng rau nuôi cá" đã gieo vào đầu nhiều bạn trẻ ở thành phố suy nghĩ này. Câu hỏi cần đặt ra, bỏ phố về quê có thực sự là ước mơ hay chỉ là cuộc trốn chạy của nhiều bạn trẻ, khi không tìm được danh vọng ở nơi thành thị.
Tuổi hai vợ chồng tôi ngoài ba mươi. Đã từng nghỉ việc ở thành phố để về quê nhưng mới chỉ hai năm tôi đã có cảm giác mình đang sa vào vũng lầy và đang định thoát ra.
Bốn năm trước, lúc vợ sinh con đầu lòng, tôi vẫn còn làm việc ở thành phố. Vợ về quê nghỉ hộ sản để tiện chăm con sơ sinh. Ở quê có ông bà hỗ trợ, không khí trong lành cũng tốt hơn ở thành phố oi bức, chật hẹp. Con tôi khó tính, cai sữa không được nên vợ tôi không đành lòng đi làm lại, thế là bàn với tôi nghỉ việc để ở quê chăm con ít nhất đến năm hai tuổi.
>> Dân văn phòng về quê trồng rau, nuôi cá không dễ
Do quê ở gần Sài Gòn, cuối tuần nào tôi cũng chạy xe máy về thăm. Nhà tôi cũng neo người nên cũng muốn vợ ở nhà với ông bà, sợ một mình ông bà chăm cháu thì đuối sức.
Trong thời gian vợ ở nhà chăm con, khi con hơn một tuổi thì vợ muốn trang trải thêm thu nhập, nên tìm đến bán hàng online. Không phải bán quần áo hay mỹ phẩm đâu, mà bán thức ăn, rau củ sạch ở quê. Ban đầu tôi cũng ngần ngừ nhưng muốn vợ có gì đó để làm không bị trầm cảm sau sinh nên tôi đồng ý.
Thế là ngày ngày vợ lên trang Facebook cá nhân đăng bài bán rau, hoa quả, thịt gà, cá ở quê. Hàng ngày tôi ra bến xe nhận hàng rồi đi làm, chiều tôi tranh thủ về sớm để đi ship cho khách đến tối. Cũng may trang cá nhân của vợ tôi có lượt tương tác cao, được nhiều anh chị trong cơ quan cũ ủng hộ, nên bán đắt hàng.
Cuối tuần về nhà tôi còn lên vài luống rau, nuôi thêm bầy gà... lúc đó thu nhập từ việc bán rau ngang ngửa, có khi hơn lương của tôi. Cộng thêm chán việc và muốn ở gần con, cũng chẳng muốn ở thành phố tôi liền nghỉ việc để về quê sống. Tôi gom hết tiền và vay thêm để mua một xe bán tải, dùng để đi ship hàng trên phố. Tôi còn lên mạng nghiên cứu, học hỏi mô hình nuôi chim cút lấy thịt và trứng. Ban đầu thất bại nhưng đến nay cũng có chút kinh nghiệm.
Nhưng tôi thấy về quê sống không an yên như nhiều bạn trẻ bây giờ hát rêu rao đâu. Lối sống ở quê khác xa nếp sống thành thị, đó là điều đầu tiên phải chấp nhận khi muốn về quê.
>> 'Sống mòn'- khủng hoảng tâm lý tuổi 30
Ở quê thức sớm, làm việc, rồi chỉ quanh đi quẩn lại trong nhà, ăn cơm chiều, tối xem tivi rồi đi ngủ. Hàng quán cũng đóng cửa sớm, thường từ 9h. Chẳng có dịch vụ gì để giải trí, vui chơi. Giáo dục cũng thua thiệt. Bé con tôi hoạt bát, năng động nhưng cơ hội học thêm ngoại ngữ, học bơi, học hát, học đàn không có.
Tôi thấy nhiều bạn mâu thuẫn với sếp, với công việc rồi muốn nghỉ về quê. Ý niệm về quê sống than thản, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều là sai lầm. Về quê sống không chỉ cần tiền mà cần nhiều tiền mới có thể thanh thản. Việc kiếm nhiều tiền ở quê cũng bất khả thi, nếu không có mô hình sản xuất, kinh doanh gì hiệu quả và đột phá. Trong khi ở thành phố thì có nhiều cơ hội hơn hẳn.
Sau vài năm về quê: Tôi đen nhẻm, trông già đi chục tuổi vì công việc làm nông. Vợ tôi cũng như thế. Tiền vay nợ mua xe còn chưa trả xong. Chăn nuôi và trồng trọt thì lấy công làm lời. Công sức chân tay phải bỏ ra nhiều, rất ngán ngẩm.
Nếu như trước đây ở thành phố làm việc phòng lạnh, tám tiếng ở văn phòng xong việc thì về nhà nghỉ khoẻ, nay phải làm quần quật. Nếu như trước đây cuối tháng lương về, chủ động được chi tiêu, tiết kiệm thì nay không còn chủ động nữa.
Sau mấy năm ở quê tôi có cảm giác như mình đang sa vào vũng lầy. Nếu không có nền tảng vững chắc mà về quê sống với những ảo vọng tươi đẹp thì chẳng khác gì xây lâu đài trên đầm lầy.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Phạm Quang