"Có một thực tế hiện nay là xu hướng tăng giá chung cư ở TP HCM đột biến đến bất ngờ mà không biết lý do vì sao? Tôi có một chung cư trên mặt tiền Vành Đai 2, Thủ Đức (Quận 9 cũ). Giá cũ trước đây chỉ 37-40 triệu đồng một m2 nhưng giờ đã tăng lên gần 48-50 triệu đồng một m2. Trong khi đó, đường vào lại rất khó và kẹt xe liên miên. Bán kính xung quanh 3-5 km cũng không có bệnh viện, trung tâm thương mại.
Với giá đó, tôi thấy vào Quận 2, Quận Bình Thạnh mua nhà vẫn thoải mái. Tuy nhiên, tôi cũng cảm ơn vì nhờ việc giá đó mà tôi bán nhà lời rất lớn. Sau khi bán, tôi đủ tiền mua luôn một căn hộ mới ở Bình Thạnh, xung quanh có bệnh viện, hàng quán... đầy đủ. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy khó hiểu rằng vì sao người ta lại bỏ một số tiền lớn như vậy để mua căn hộ của tôi với giá đó, sau cũng chỉ để cho thuê được 9-10 triệu đồng một tháng. Hay họ thấy được cơ hội gì đó mà tôi không thấy?".
Đó là chia sẻ của độc giả D.than trước thực trạng chung cư TP HCM chạm mốc trung bình 91 triệu đồng mỗi m2 (chưa gồm thuế phí), tăng 36% theo quý và 33% theo năm. Xu hướng tăng giá đột biến này được lý giải do phần lớn nguồn cung mới chào bán lần đầu (2.700 căn) trong quý vừa qua thuộc phân khúc cao, với giá trên 80 triệu đồng mỗi m2. Rổ hàng mở bán giai đoạn tiếp theo từ các dự án hiện hữu (3.800 căn) cũng có sự điều chỉnh tăng, trung bình từ 75-450 triệu đồng/m2. Thị trường toàn hàng cao cấp, thiếu nguồn cung giá vừa túi tiền khiến căn hộ TP HCM xác lập một mức tăng mạnh chưa từng có.
Cũng bất ngờ trước đà tăng giá chóng mặt của chung cư TP HCM, bạn đọc Suorange bình luận: "15 năm trước, tôi đi làm lương 6 triệu đồng một tháng, mua căn hộ TP HCM giá 30 triệu đồng một m2. Hiện nay, tôi đi làm lương 8 triệu, nhưng căn hộ tương tự đã tăng giá lên 70 triệu đồng một m2. Quan trọng là lúc tôi mua 15 năm trước, ai cũng sợ 'bong bóng bất động sản', đợi thị trường sập mới mua, nhưng đến giờ họ vẫn chưa mua được nhà".
>> Nhà chung cư bán 3 tỷ nhờ 'cò' hét giá
So sánh đà tăng giá nhà chung cư với thu nhập trung bình, độc giả Dovanphong nhận định: "Không tính khối làm việc cho doanh nghiệp FDI có thể lương cao một chút, còn hiện tại khối làm việc cho nhà nước, doanh nghiệp Việt thì lương cơ bản chỉ khoảng 2.340.000 đồng bậc một. Một người học 4-5 năm đại học, ra trường đi làm được mức lương khởi điểm 5,5 triệu đồng, cộng cả phụ cấp may ra được 8-10 triệu. Nếu bắt đầu đi làm từ 23 tuổi thì mức lương khởi điểm còn không tự nuôi được bản thân chứ đừng nói mua nhà.
Trong khi đó căn hộ một ngủ ở Hà Nội và TP HCM cho thuê dao động từ 5-9 triệu đồng (không tính nhà trọ tư nhân vì gần như không đủ điều kiện hoạt động theo quy định nhà nước).Vậy chi phí thuê nhà chiếm gần như 100% lương ở thành phố. Thử hỏi người trẻ tồn tại kiểu gì với giá bất động sản như hiện nay?".
Mong đợi sự can thiệp của cơ quan quản lý để điều tiết giá nhà, bạn đọc Meiji kết lại: "GDP đang phấn đấu được 5.000 USD một năm thì giá chung cư TP HCM đã 4.000 USD một m2 rồi. Nếu không có điều tiết từ nhà nước thì chỉ có người giàu mới mua qua bán lại với nhau, còn người trung lưu thì ở nhà thuê suốt đời".
- Anh thợ cắt tóc 'lướt sóng' chung cư - mua 3,2 tỷ, bán 3,8 tỷ
- Mỗi năm thuê một chung cư mới dù thừa tiền mua nhà
- Đánh đổi 10 năm tuổi trẻ làm con nợ để thoát cảnh thuê nhà Sài Gòn
- 'Có 2 tỷ đồng thì thuê nhà, mua ôtô cho khỏe'
- 'Nếu không liều mua chung cư khi chỉ có một tỷ đồng, giờ chắc vợ chồng tôi khóc'
- Vay 3 tỷ mua nhà 5,5 tỷ, tôi sợ rơi vào 'bẫy lãi suất'