"Tôi đi cắt tóc ở Linh Đàm, anh thợ cắt tóc cũng đầu tư ôm chung cư rồi sửa lại bán kiếm lời. Gần đây nhất, anh mua căn hộ 3,2 tỷ, bán được 3,8 tỷ đồng. Anh bảo cả đời đi cắt tóc cũng không nghĩ kiếm được số tiền 600 triệu đồng ấy. Người mua lại của anh cũng là dân đầu cơ 'lướt sóng', sau đó lại rao bán lên 4,7 tỷ đồng, nhưng hậu quả là hai tháng nay không có ai hỏi mua".
Đó là chia sẻ của độc giả Tiendung trước thực trạng nhiều người vỡ mộng "lướt sóng" chung cư cao cấp. Theo ghi nhận của VnExpress, ba tháng cuối năm, nhiều giỏ hàng chung cư mới được môi giới ồ ạt rao bán sang nhượng, tập trung ở khu vực phía Tây và Đông Hà Nội, tâm điểm nguồn cung sơ cấp trong năm nay. Khoản chênh cũng giảm mạnh từ 300-500 triệu đồng với những căn đẹp, hiện còn 100-200 triệu đồng. Thậm chí những căn diện tích to, vị trí xấu được chào giá giảm 50-100 triệu đồng so với hợp đồng mua bán.
Cũng tham gia vào cuộc chơi đầu cơ "lướt sóng" bất động sản, bạn đọc Chính Hoàng Minh bình luận: "Trường hợp của tôi cũng tương tự. Hồi tháng sáu, tôi mua cái nhà cũ giá 4 tỷ đồng, bỏ thêm 700 triệu đồng vào để sửa sang cho long lanh. Đến tháng 11, tôi bán lại, thu về 5,5 tỷ đồng, tức là lời ngay 800 triệu (trong khi, giá bán thực cho khách của sàn bất động sản lên tới gần 6 tỷ đồng). Sau đó vài tuần, tôi thấy chủ mới rao bán lại căn nhà với giá 6 tỷ nhưng đến giờ vẫn đang nằm im".
"Có một thực tế ngày nay là người ta thích mua tích nhiều đất, nhiều nhà vì không mất chi phí, thuế khóa, vận hành phức tạp, trong khi lợi nhuận lại rất lớn. Mua miếng đất hay căn chung cư rồi quăng đó, ngồi rung đùi đợi vài tháng, vài năm lên giá rồi bán 'lướt sóng' ăn chênh lệch, trong khi sản xuất tạo của cải vật chất thì không chịu làm. Cứ như vậy thì xã hội sẽ đi về đâu?
Cái giá phải trả khi người người, nhà nhà đua nhau 'lướt sóng' nhà đấy là giá cả dịch vụ, hàng hóa phải gánh nhiều phần trăm là chi phí bất động sản, người có nhu cầu không mua được nhà vì giá bị thao túng, đầu cơ, nâng cách biệt giàu nghèo. Và môi trường sẽ ngày một khắc nghiệt, người dân sẽ có xu hướng không muốn sinh con, dẫn tới già hóa dân số...
Theo tôi, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết một cách không quá khó khăn, bằng các sắc thuế bất động sản. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã áp thuế bất động sản và rất thành công. Anh, Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore... đã đánh thuế bất động sản thứ hai và lũy tiến từ rất lâu, mang lại nguồn thu lớn và ngăn chặn triệt để nhóm đầu cơ. Họ đánh thuế theo quý (cứ ba tháng một lần), nếu chậm nộp sẽ bị phạt lũy tiến lên đến 200%, nên nhóm đầu cơ không thể đợi có người mua rồi mới đẩy thuế cho người khác được nữa.
>> Nhụt chí làm ăn vì 3,7 tỷ đồng chưa mua nổi nhà Sài Gòn
Còn như hiện nay ở ta, người có tiền mua nhà thì không ở, người muốn ở thì không đủ tiền mua. Theo tôi, nạn đầu cơ đất sẽ chỉ chấm dứt khi chúng ta áp dụng các biện pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất, nên ban hành luật chuyển nhượng bất động sản thứ hai sau 8-10 năm từ ngày sang tên sổ, để tránh nhóm đầu cơ 'lướt sóng'.
Thứ hai, nên ban hành luật thuế bất động sản thứ hai để chống đầu cơ. Thuế này có thể đánh 25-30% giá bất động sản theo quý và có phạt đóng trễ lũy tiến. Như vậy, nhóm đầu cơ không thể ôm quá lâu vì giá vượt thực tế xung quanh khu vực tới mức vô lý, khó bán, khó ép giá người mua.
Đánh thuế bất động sản thứ hai cũng giống như siêu thị khi cần giới hạn mặt hàng khan hiếm thời điểm thiên tai, bão lũ... họ đánh thuế số lượng hàng mà một người được phép mua tối đa", độc giả Tran Long đề xuất.
Tình trạng "lướt sóng" chung cư cao cấp diễn ra phổ biến từ cuối quý I trong bối cảnh thị trường Hà Nội rất hạn chế nguồn cung. Một số phân khu, dự án ra mắt được quảng cáo "khan hiếm" cùng với đông đảo đại lý, môi giới tham gia phân phối, càng đẩy tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) trên thị trường. Khi tâm lý thị trường dâng cao, có nhóm nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ôm quyền đặt mua một số căn, sau đó bán "lướt", thu về vài trăm triệu. Nếu so với khoản vốn bỏ ra, lợi nhuận từ bán chênh thu về có thể lên đến 50-100%.
Thành Lê tổng hợp
- 'Nhịn đau' đánh thuế mua bán bất động sản theo năm sở hữu
- Kẽ hở đấu giá sáu vòng thổi giá đất huyện 30 tỷ đồng một m2
- Người vay mua đất lo 'chết cứng' vì đánh thuế theo thời gian sở hữu
- Đất tăng giá 30 cây vàng sau nửa năm
- Nhà trong ngõ 'ngáo giá' 250 triệu đồng một m2 mãi không ai mua
- 'Đánh thuế bất động sản khó kéo giảm giá nhà'