Tôi là quản lý của một công ty nhập khẩu trái cây ở Anh, một trong những quốc gia có tộc độ lây nhiễm Covid-19 cao và chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới.
Công ty tôi trước dịch có 220-250 người mỗi ca làm việc. Vì giãn cách mà công ty phải giảm xuống còn 130-150 người làm việc mỗi ngày vì không đủ chỗ và nơi làm việc. Từ khi dịch bùng phát, công ty tôi luôn cố gắng giữ an toàn cho công nhân viên và vẫn chưa có một ca lây nhiễm nào. Cũng giống những người Việt trong nước luôn tự hào về công cuộc chống dịch thành công bước đầu, nhân viên công ty tôi bắt đầu giảm dần căng thẳng, đưa trở lại các hoạt động bị bỏ dở trước khi giãn cách như họp hàng ngày lúc 7h sáng, nhận đào tạo, quản lý những học viên từ bên ngoài...
Từ việc nới lỏng đó, công ty bắt đầu xuất hiện ca Covid-19 đầu tiên từ một người quản lý được gửi xuống từ tổng công ty. Mới vào đạo tạo được năm ngày, người này đã test dương tính với nCoV. Ngày hôm sau, hai người tiếp xúc với anh cũng được xác định dương tính, rồi từ dây dịch bắt đầu khó kiếm soát. Chỉ trong vòng một tuần, có tới 15 người trong công ty bị nhiễm Covid-19, 30 người phải cách ly, con số cao hơn số ca nhiễm của hơn 95 triệu người Việt Nam trong ba ngày đầu.
Tuần qua, công ty tôi có tới hai bộ phận không có người làm vì toàn bộ bị cách ly ở nhà. Giám đốc hay quản lý trên tôi cũng bị cách ly vì tiếp xúc với nhân viên kia. Tôi đành phải đứng ra quản lý toàn bộ hoạt động của công ty. Giám đốc thấy tôi đang có bầu nhưng vẫn phải quản tới 150 người và các bộ phận khác nhau nên điều thêm một quản lý người Anh làm ở bộ phận khác qua phụ giúp tôi.
Ngày đầu tự quản, tôi yêu cầu toàn bộ công nhân hoặc những ai làm dưới sự quản lý của tôi phải đeo khẩu trang khi bước vào cổng công ty, tăng người lau dọn những nơi mà mọi người hay sờ vào như canteen, văn phòng, cửa ra vào... Tôi lập biên bản những ai không giữ khoảng cách hai mét, lên kế hoạch cho công nhân vào làm và tan ca khác nhau theo nhóm. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tuy quy định bắt buộc có phần cứng nhắc nhưng nhiều người ủng hộ cách làm của tôi.
Đến khi người quản lý kia qua phụ giúp, anh ta bực bội và mắng tôi rằng: "Nhà nước không bắt buộc phải mang khẩu trang mà là sự lựa chọn của từng người". Anh ta cho rằng tôi lộng quyền, làm những việc chưa được bàn bạc. Tôi phải mất một tiếng đồng hồ ngồi tranh cãi với anh ta rằng "dù đây không nằm trong luật của nhà nước nhưng liên quan đến sức khỏe và an toàn của công nhân nên phải làm".
>> 20 ngày sống giữa tâm dịch Đà Nẵng
Cuối tuần đó, công ty mới có năm ca dương tính. Nhưng vì người quản lý còn lại không chịu cho bốn người từng tiếp xúc với ca dương tính về nhà cách ly mà vẫn bắt họ phải làm việc cho hết ca, kết quả ba trong bốn người này đều dương tính với Covid-19, cộng thêm vợ họ cũng bị lây. Hai ngày sau, đến lượt một đồng nghiệp chung phòng với tôi và người quản lý kia cũng bị nhiễm Covid. Tôi nằm trong diện bị cách ly 14 ngày vì làm việc và tiếp xúc với họ thường xuyên.
May mắn, nhờ mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên nên dù tôi có sử dụng điện thoại chung với một trong hai người đó, và dùng máy tính chung với đồng nghiệp cùng phòng (do phải đào tạo nhân viên) nên tôi không bị nhiễm. Khi Giám đốc gọi báo tin rằng là tôi phải ở nhà cách ly, tôi đã mất cả tiếng đồng hồ để giải thích sự bất đồng quan điểm phòng dịch giữa tôi và người quản lý kia. Tôi cũng lên một kế hoach lớn để giảm bớt thiệt hại và tránh bị nguy cơ đóng cửa lâu dài của công ty rồi gửi cho ông tham khảo.
Trước đó, theo như kế hoạch từ trên tổng công ty, chúng tôi sẽ đóng cửa hai tuần để điều chỉnh lại mọi thứ. Nhưng tôi cho rằng chỉ cần đóng cửa bốn ngày, rồi bỏ tiền ra thuê người test toàn bộ công nhân viên. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng điều chỉnh lại điều luật của công ty và sắp xếp lại mọi thứ theo khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra: Đặt thêm khẩu trang, nước rửa tay để sẵn trên trên bàn của các công nhân...
Liên hệ với tình hình dịch bệnh trong nước và ý thức của người dân, tôi thấy Việt Nam mạnh tay với việc chống dịch là rất hợp lý. Việc bắt buộc người dân ra đường phải mang khẩu trang là việc làm rất đúng đắn. Bên cạnh đó, cũng cần mạnh tay phạt những ai không chịu cách ly theo quy định. Các trường học nên đưa mô hình học online vào giảng dạy. Nhà nước cũng nên nới rộng hỗ trợ kinh tế cho những hộ dân chịu thiệt hại nặng chứ không chỉ hạn chế một số ngành nghề. Có thể cho các nhà hàng, quán cà phê mở cửa nhưng chỉ giao nhận online hoặc gọi điện để dòng tiền luân chuyển, giúp kinh tế xã hội đứng vững.
Người dân nên giảm bớt mua sắm hàng hóa (1-2 lần mỗi tuần) để tránh tiếp xúc. Người Việt có văn hóa sống cộng đồng nên hay thường thăm hỏi hoặc tụ tập. Đây là thói quen cần thay đổi, nhà nào ở nhà đó, dù là cha mẹ, anh chị em cũng không nên qua lại thường xuyên.
Chồng tôi là bác sĩ, anh làm trong phòng điều trị đặc biệt suốt hai tháng lúc dịch bùng phát và sau đó chuyển qua phòng cấp cứu (chuyên tiếp nhận bệnh nhân Covid), còn tôi làm bên mảng thực phẩm nên công ty vẫn làm việc từ đầu. Nhờ làm theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới nên dù nằm trong diện lây nhiễm cao nhưng chúng vẫn giữ cho mình an toàn đến bây giờ. Tôi tin mỗi người có ý thức và trách nhiệm thì chúng ta sẽ hạn chế rất nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid.
Hy vọng Việt Nam sẽ vượt qua đợt dịch này nhanh chóng và thành công.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Hồng