Vào một buổi sáng đẹp trời như bao buổi sáng bình yên của Đà Nẵng, đó là ngày 24/7, tôi nhận được tin nhắn từ một anh bạn thông báo Đà Nẵng có ca nghi nhiễm Covid-19 từ cộng đồng, bệnh viện C Đà Nẵng đang bị phong tỏa. Tôi và chồng chỉ biết thở dài vì câu chuyện về Covid-19 vẫn chưa thể dừng lại và Đà Nẵng vừa trở lại nhịp sống thường ngày đã sắp phải cách ly. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn động viên nhau rằng đây chỉ là nghi nhiễm thôi, vì Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt khi 100 ngày liên tục không có ca dương tính đến từ cộng đồng.
Vậy mà, đến trưa 25/7, báo chí bắt đầu đăng những dòng tin đầu tiên về ca nhiễm 416, một ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là ca đầu tiên đánh dấu kết thúc chuỗi ngày dài Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng. Tôi biết lệnh cách ly sẽ bắt đầu được triển khai trong vài ngày tới và đúng như dự đoán, vào 0h ngày 28/7, lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố đã được thực hiện.
Trước đó, Đà Nẵng đang có những dấu hiệu tích cực của ngành du lịch khi đón hơn 80 ngàn lượt khách du lịch ghé thăm. Vậy mà chỉ trong một ngày, con số này bỗng chốc vụt mất nhanh như một cơn gió. Tôi từng thấy thật ấm lòng và tự hào vì số lượng người đến Mỹ Khê, một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam và thế giới, gần được lấp đầy với rất nhiều hoạt động thú vị: chèo thuyền kayak, bay dù lượn, bóng chuyền, bóng đá bãi biển... Từ ngày cách ly, bãi biển chỉ còn những gợn sóng.
>> Tôi chọn ở lại tâm dịch Đà Nẵng
Đây là lần thứ hai, tôi chứng kiến Đà Nẵng cách ly, nhưng lần này cảm giác rất khác. Nếu lần đầu, người dân bắt đầu hoang mang, đổ xô ra siêu thị mua thật nhiều lương thực dự trữ, giành nhau từng cuộn giấy... thì lần này, thành phố trông yên ắng hơn hẳn. Mọi người tỏ ra bình tĩnh hơn, vẫn hoạt động như thường ngày và tuân thủ mọi quy định giãn cách của chính quyền. Nếu lần đầu chỉ là cách ly, thì lần này, các tuyến đường bắt đầu bị phong tỏa nhiều hơn, những con phố nhộn nhịp trước đây đều thay bằng sự tĩnh lặng đến ngột ngạt.
Lần trước, không riêng gì Đà Nẵng, mà cả Việt Nam đều cách ly toàn xã hội vào ngày 1/4. Lần này, Đà Nẵng bỗng nhiên trở thành tâm dịch, là nơi đầu tiên thực hiện cách ly xã hội và có số ca dương tính tăng lên nhiều nhất mỗi ngày, chưa kể là những ca tử vong đầu tiên của Việt Nam. Lo sợ là tâm lý chung của người dân và cả tôi trong thời gian này khi mỗi ngày, tin tức về Covid-19 cứ ngày một nhiều trên các báo đài.
Nhưng nhìn cách mà người dân Đà Nẵng cùng nhau vượt qua "cơn bão" này khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Trước tình hình những bệnh viện lớn của Đà Nẵng đang bị phong tỏa vì xuất hiện ổ dịch, mọi người cùng nhau truyền đi thông điệp giúp đỡ trên Facebook rồi cùng nhau ủng hộ, vận chuyển hàng hóa, vật dụng y tế, thực phẩm đến các bệnh viện, ký túc xá... ngày một nhiều hơn.
Ngay cả những khách hàng về ẩm thực mà tôi đang làm việc cùng cũng sẵn sàng tìm cách ủng hộ những suất cơm nghĩa tình đến cán bộ y tế trong bệnh viện và các chiến sĩ đang trực 24/7 trong mùa dịch này. Họ đóng cửa, không có doanh thu, tài chính họ cũng khó khăn đấy. Nhưng cái tâm với Đà Nẵng khiến họ muốn góp ít công sức để cùng thành phố vượt qua khó khăn. Những tấm lòng nhỏ, gộp thành tấm lòng lớn, những đóng góp nhỏ bỏ vào đóng góp lớn đã khiến cho người được ủng hộ cũng như người ủng hộ cảm thấy tiếp thêm được sức mạnh trên hành trình chống dịch sắp tới.
Các thông điệp như "Đà Nẵng ơi, bình yên nhé", "Đà Nẵng ơi, cố lên nhé", "Có thành phố vượt qua bao bão tố", "Đà Nẵng giữ sức khỏe", được dân mạng vẽ và lan truyền một cách nhanh chóng trên mạng đã khiến cho tôi, một người sinh sống và làm việc ở thành phố yên bình này suốt bảy năm qua cảm thấy tình người thật đẹp. Tôi biết rằng hàng triệu con tim yêu đang hướng về tâm dịch. Người Đà Nẵng sẽ thấy vững tin hơn trên hành trình chống lại đại dịch, những thiên thần áo trắng sẽ vững tâm hơn trên hành trình đánh bay Covid-19, những chiến sĩ sẽ quyết tâm hơn trên hành trình giữ vững bình yên trong mùa dịch.
Tôi cầu mong cho Đà Nẵng cũng như mọi tỉnh thành khác của Việt Nam đều sớm trở về lại các hoạt động bình thường như trước ngày có dịch bệnh. Rồi một thời gian nữa, mọi người sẽ thôi hóng tin về dịch trên các báo như hiện tại mà thay vào đó là tập trung vào các hoạt động, kế hoạch trong công việc lẫn cuộc sống của chính mình. Một thời gian nữa, Đà Nẵng thân yêu sẽ lấy lại được phong độ và người con Đà Nẵng lúc đấy chỉ còn đọng lại nụ cười bình yên trên môi, cùng nhau nhìn về quá khứ để biết trân trọng hiện tại và yêu thương nhiều hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Hạnh Nguyễn