(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đã hơn bốn tháng trôi qua kể từ khi Covid-19 bùng phát và tôi không biết tình hình cách ly này sẽ còn kéo dài đến bao giờ nữa? Hàng ngày, tôi chỉ biết làm bạn với màn hình máy tính và điện thoại. Tôi năm nay tròn 20 tuổi, đang là sinh viên cuối năm hai tại một trường chuyên dạy về ẩm thực tại thành phố Vancouver, Canada. Ở cái tuổi mà ông bà ta thường nói "ăn chưa no, lo chưa tới", nhưng tôi lúc này đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời khi cảm thấy rất lo và mông lung về tương lai của mình.
Cách đây hai năm, khi đứng trước ngưỡng cửa phải lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp THPT, tôi bị ảnh hưởng khá nhiều từ anh trai, lúc đó đang du học chuyên ngành ẩm thực, hàng năm đều về Việt Nam nghỉ hè. Mỗi kỳ nghỉ hè, anh lại kéo theo một nhóm bạn người nước ngoài cùng về để khám phá nền văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Trước mỗi khi rời đi, để bù đắp phần nào "tổn thất" gây ra cho gia đình tôi trong kỳ nghỉ đó, anh và đám bạn Tây kia lại hì hục đi chợ, tẩm ướp thực phẩm, nấu nướng, trang trí, bày biện bàn ăn... đãi cả nhà tôi những món ăn lạ lẫm, chế biến cầu kỳ từ đất nước xa lạ. Năm thì món kiểu truyền thống nước Nga, năm lại món kiểu Thụy Sĩ...
Và thế là "con đường chinh phục con tim nhanh nhất chính là con đường đi qua cái dạ dày" bắt đầu phát huy công dụng. Tôi ngây thơ, không chút vấn vương, so đo, tính toán... ôm ấp mộng mơ điền ngay vào mục lựa chọn ngành học "Ẩm thực". Rồi, cuộc viễn chinh tìm ra sự thật bắt đầu.
Vancouver đón tôi vào một chiều cuối đông. Nước từ tuyết đang tan trên các mái nhà tí tách rơi, chảy róc rách trên hè phố. Sau gần 24 giờ bay và transit qua sân bay Đào Viên (Đài Loan), tôi chạy ào ra phố để tận hưởng cái lạnh tê tái, sục cả tay vào đống tuyết mà ai đó đã gom lại quanh những gốc cây phong già cỗi.
Vancouver là một thành phố rất đa dạng các hệ sinh thái và cực kỳ trong lành, khá dễ sống do thời tiết tại đây ấm áp hơn so với các vùng khác ở Canada. Bất động sản nơi đây rất đắt nên giá thuê nhà khá cao. Nhưng dù là sinh viên hay người lao động chân tay, chỉ cần có việc làm là bạn có thể chi trả được các nhu cầu thiết yếu của bản thân như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền đi du lịch gần thành phố. Nếu ai tiết kiệm thì còn có thể để dành ra được chút ít. Dân bản địa nơi đây rất thân thiện và hoạt bát. Mùa hè họ thường leo núi, đạp xe, mùa đông họ đến phòng tập gym hoặc trượt tuyết nên ai nấy đều trông tựa như người mẫu.
>> Du học sinh Việt ở Mỹ sợ bị trục xuất
Vì chưa có trải nghiệm thực tế là phải làm việc với áp lực lớn, cường độ cao trong thời gian dài ở khu nhà bếp nóng nực, chật chội... nên tôi đã gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn khi đến đây. Chưa tính đến việc nếu không tập trung cao độ trong khi làm việc, tai nạn như băm, chặt, thái vào tay là điều rất dễ xảy ra.
Sau mỗi ngày của những đợt thực tập, tôi rũ rượi, liêu xiêu lết về nhà, có những hôm không kịp cởi giày, nằm vật xuống giường ngủ mê man cho đến sáng hôm sau. Thời gian gặp bạn bè, hay thời gian dành để chăm sóc cho bản thân như tập thể thao, thư giãn... để tái sản xuất sức lao động là một giấc mơ xa xỉ.
Tôi phải bắt đầu học từ những kiến thức, kỹ năng tưởng chừng vụn vặt nhưng thật ra lại cơ bản nhất, chẳng hạn như cầm dao thế nào cho đúng cách, phân biệt và cách sử dụng các loại thớt, lau dọn, trình bày bàn ăn... cho đến cách chọn, ướp tẩm gia vị vào thực phẩm, kỹ thuật nấu những món ăn đặc sắc, cách phân biệt và phục vụ rượu vang, cách tổ chức những cuộc thi nấu ăn để lựa chọn và phân công nhân sự làm việc trong bếp...
Sau sáu tháng, trải qua những công việc như barista (pha chế cà phê), phụ bếp ở quán bar, cuối cùng thần may mắn đã mỉm cười, tôi xin được một chân ở "vị trí thấp nhất" trong một nhà hàng nổi tiếng xếp hạng 20 toàn Canada về ẩm thực Pháp - Á. Sau 10 tiếng làm việc liên tục trong bếp của buổi tối thử việc chính thức đầu tiên, tôi được người bếp trưởng nhận vào làm. Cầm bản điều kiện làm việc và hợp đồng làm việc trên tay, tôi cảm giác mình là người hạnh phúc nhất thế gian trong thời khắc đó.
Và thế là tôi đã có cơ hội được làm việc trong môi trường cực kỳ thú vị, đầy thử thách và đi cùng với đó là những "cái giá phải trả", chẳng hạn như 12 tiếng làm việc liên tục không có giải lao, sau đó có thể phải làm không công thêm vài tiếng nữa mới chính thức hết ca (đó là những hôm nhà hàng nhận đặt tiệc riêng theo nhu cầu của khách, hay buổi tối của những kỳ lễ hội và hầu như ngày nào cũng thế...) hoặc trải qua những giờ phục vụ căng thẳng cho cùng một lúc 300 thực khách gói gọn trong ba tiếng đồng hồ với mọi thứ đồ ăn, thức uống đưa ra phục vụ phải hoàn hảo theo mọi khía cạnh... Mùi vị, độ nóng, độ lạnh, thời gian giãn cách phù hợp giữa các món... mọi thứ phải luôn luôn song hành, bổ sung, chính xác, nhịp nhàng gần như tuyệt đối.
Mọi thứ cứ như một guồng quay bất tận, năm ngày trong tuần đi học, hai ngày cuối tuần đi làm thêm như vậy (sinh viên như chúng tôi ngoài giờ học và thực tập chính thức ở trường, được phép làm thêm 20 giờ trong một tuần, đây cũng là một yêu cầu bắt buộc phải có, được tính giống như một môn học phụ thì mới đủ điều kiện xét để được dự thi tốt nghiệp).
Cho đến khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Canada, mọi thứ đều đột ngột ngừng lại. Khách sạn, nhà hàng đóng cửa, trường học chuyển sang học online... Rồi khi dịch bùng phát, số người nhiễm tăng vọt khiến cuộc sống đảo lộn theo nhiều khía cạnh. Khi đi du học, không được ở bên cạnh gia đình là một thiệt thòi rất lớn, nhưng lúc bình thường còn có bạn bè thay thế phần nào sự trống vắng đó.
Còn giờ đây, dường như cuộc chiến chỉ còn đơn độc mỗi bản thân mình, khi ai nấy đều được khuyến khích nên ở nhà vì lợi ích của cộng đồng, của chính bản thân.
Tôi phải tự nhốt mình trong căn phòng 6 m2, nhưng những suy nghĩ của tôi thì vẫn bay vòng vòng cả ngày lẫn đêm. Nào là nghề tôi chọn có đúng không? Tại sao tôi lại ở đây, trôi dạt sang tận nơi không có ai thân thuộc? Tại sao đến bây giờ mới biết đồ ăn Việt Nam lại ngon thế, phong cảnh Việt Nam lại đẹp đến thế? Tại sao lá cây lại màu xanh?
>> Du học sinh tại châu Âu về nước hay ở lại?
Cho đến một ngày, nhướng cặp mắt chán chường, mỏi mệt sau một đêm ngủ vùi đầy mộng mị ra ngoài khung cửa sổ, tôi bắt gặp một chú chim xanh biếc với cái đuôi dài đỏ rực, cong cong, đang ngó nghiêng vào những kẽ lá trên cây phong xù xì sát ô cửa. Dường như được tiếp một nguồn năng lượng vô hình nào đó, tôi vùng dậy, mặc quần áo, đeo khẩu trang và đạp xe một vòng quanh công viên gần nhà. Xin thông tin thêm đến các bạn một chút là với những ai đi làm toàn thời gian hay bán thời gian như tôi, cứ có hợp đồng làm việc đã ký tá rõ ràng thì chỉ cần khai báo qua mạng, ngày hôm sau sẽ được chính phủ Canada hỗ trợ tiền đủ để thuê nhà và ăn uống ở mức vừa phải.
Thế là từ hôm đó đến nay, sau một quãng thời gian gặm nhấm nỗi buồn, tự xót xa cho sự cô đơn, thống khổ của mình, tôi đã đọc được gần 3.000 trang sách thuộc lĩnh vực đầu tư chứng khoán mà trước đây tuy yêu thích nhưng tôi chưa có thời gian hay thật sự chú tâm vào cho nó. Thêm vào đó là thiền định, tập thể dục, nấu ăn hay bất cứ hoạt động nào bổ ích để không bỏ phí thời gian dù chỉ một chút trong khoản thời gian "vàng" này.
Thỉnh thoảng, chú chim xanh có cái đuôi màu đỏ đến thăm tôi, nhưng dường như đấy là một chuyến kiểm tra xem tôi có biết cách sử dụng thời gian hữu ích trong nghịch cảnh hay không thì phải?
Tôi chợt nhớ ra một câu đã đọc được ở đâu đó: "Sự cô đơn sẽ phá hủy một con người, nhưng cũng có thể là động lực giúp người đó lớn mạnh vượt bậc, nếu xứng đáng".
>> Bạn đang ở nước ngoài trong mùa dịch Covid-19? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.