Trước thực trạng nhiều người trẻ đến từ các nước phương Tây không phải là giáo viên chuyên môn, nhưng được thuê dạy tiếng Anh ở Việt Nam với mức lương cao, độc giả Binhle nhận định: "Tư tưởng sính ngoại vẫn ăn sâu vào nhiều người. Có rất nhiều người học kém lại đổ lỗi tại thầy. Học ngôn ngữ nào cũng vậy, thầy dạy một thì khả năng tự học là chín. Vậy mới phát huy tối đa. Bản thân tôi trong suốt bao nhiêu năm học tiếng Anh đều học với giáo viên Việt 100%. Ở nhà tự nghe thêm băng đĩa, bài hát... nhưng vẫn phát âm chuẩn, nói lưu loát. Giờ làm việc trong môi trường nói tiếng Anh, tiếp xúc với người nói tiếng Anh bản xứ hàng ngày thì tôi thấy mình hoàn thiện hơn. Như vậy, không thể phủ nhận tất cả quá trình học tiếng Anh của tôi với giáo viên Việt".
Cùng chung quan điểm, bạn Huybinhpros cho rằng hậu quả của việc những người không có chuyên môn giáo dục đi giảng dạy sẽ rất khó lường: "Do có nhiều người có lối suy nghĩ sai lầm như vậy nên mới gây nên hiện tượng những người không phải giáo viên nhưng lại làm giáo viên. Để làm một nhà giáo chắc chắn phải có kỹ năng sư phạm, vì vậy nó mới là một ngành của Đại học. Không phải tự nhiên người ta mất đến bốn năm trời để đào tạo ra một giáo viên. Và điều quan trọng nhất, người không có kỹ năng sư phạm thì gần như không thể dạy nổi ai, nhất là ngoại ngữ. Vì vậy mà kết quả học tập của những người học qua lò đào tạo này, mất tiền bạc và thời gian, nhưng kết quả vẫn gần như bằng không. Nếu cần giao tiếp với người nước ngoài, ở Hà Nội và TP HCM không thiếu, còn nếu không thì ở trên internet cũng có rất nhiều".
"Chính giáo viên Việt Kiều có bằng dạy tiếng Anh cấp ở nước ngoài như TESOL, CELTA... khi về Việt Nam xin dạy học cũng bị phân biệt đối xử so với giáo viên bản ngữ. Chính giáo viên Việt Kiều mới hiểu những khó khăn của học sinh Việt Nam khi học Anh ngữ để giúp các em học hiệu quả hơn", bạn Tim Hoang chia sẻ về sự bất công trong việc tuyển dụng giữa giáo viên Việt và thầy Tây.
Trong khi đó, độc giả Vũ Xuân Hiển lại chỉ ra những mặt tối của việc lạm dụng người nước ngoài dạy tiếng Anh bất chấp trình độ tại Việt Nam: "Tôi đã gặp nhiều giáo viên nước ngoài (Anh, Mỹ, Australia) hẳn hoi. Nhưng họ không có kỹ năng dạy tiếng Anh, thậm chí họ thể hiện trình độ (ngữ pháp, giọng) không chuẩn. Họ không có bằng cấp sư phạm về ngôn ngữ họ đang dạy. Nhưng vì phong trào sính "thầy Tây" nên họ dễ dàng được tuyển dụng với mức lương cao hơn hẳn những giáo viên đầy đủ kỹ năng và trình độ người Việt. Sính ngoại từ người học, từ phụ huynh học sinh đã tạo nên kẽ hở này".
"Tôi cũng là giáo viên. Nơi tôi dạy tuyển nhiều giáo viên tiếng Anh đến từ châu Phi. Có nhiều từ họ phát âm sai so với từ điển Oxford, buộc tôi phải giải thích với học sinh rằng cũng khá giống người mình phát âm các từ như: răng/ giăng/ dăng chẳng hạn. Thực tế tôi cũng không biết làm cách nào mà họ được đi dạy ở Việt Nam. Có lẽ bây giờ trường học là nơi kinh doanh nữa chăng?", độc giả Phương Lê Hồ bày tỏ.
Nhìn nhận vấn đề ở phạm vi rộng hơn, bạn Hoàng Trần lo ngại về việc tâm lý sính ngoại đang diễn ra không chỉ với việc dạy và học tiếng Anh mà còn hiện hữu ở nhiều môn học khác: "Không những học tiếng Anh đâu mà trong các môn học khác cũng vậy. Người Việt Nam có thể nói sính ngoại đến mức hạ thấp không thương tiếc nền giáo dục nước nhà, mặc dù chương trình giáo dục Việt Nam không hề kém và có nhiều ưu điểm nhất định so với giáo dục nước ngoài".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.