Nhận hoá đơn tháng 6 với số điện tiêu thụ hơn 1.000 kWh, chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình. Với lượng điện này, chị phải trả gần 3,2 triệu đồng, trong khi tháng trước đó hầu hết thành viên trong gia đình đều ở nhà khi giãn cách xã hội vì Covid-19 chỉ trả hơn 1 triệu đồng.
"Bọn trẻ ban ngày đi học hết, gia đình chỉ bật điều hoà vào ban đêm trong vài ngày nóng gắt đầu tháng 6 mà tiền điện đã tăng vọt. Thời gian tới còn nóng hơn nữa thì không biết sẽ nhảy cỡ nào", chị nói.
Tương tự, anh Thắng (Tây Hồ, Hà Nội) cũng phản ánh, tiền điện tháng 6 đã tăng hơn 4 lần so với tháng trước. Tháng 5 nhà anh dùng hơn 420 kWh nhưng sang tháng 6 "vọt" lên trên 1.500 kWh, phải trả trên 4,5 triệu đồng.
Ngành điện nói việc tăng lượng điện tiêu thụ vì thời tiết những ngày đầu tháng 6 nắng nóng gay gắt, nhưng anh Thắng cho rằng "mức tăng nhiều lần như vậy là bất hợp lý" và đặt nghi vấn về cách ghi chỉ số công tơ.
Không riêng tại Hà Nội, hoá đơn tiền điện tháng 6 nhiều hộ gia đình tại các tỉnh, thành phố khác khu vực phía Bắc cũng tăng so với tháng trước.
Ông Quý (Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, tiền điện tháng 6 lên hơn 2 triệu đồng, gấp đôi tháng 5 và so với cùng kỳ nắng nóng năm ngoái thì gấp rưỡi. "Cùng tháng 6 nắng nóng năm ngoái, gia đình tôi tiêu thụ ít hơn 100 kWh. Vừa vào mùa mà tiền điện đã hơn 2 triệu đồng thì không biết tới khi đỉnh điểm còn tăng tới bao nhiêu", ông chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho rằng tiền điện nhảy vọt do nắng nóng kéo dài. Tháng 5, Hà Nội chỉ hứng chịu một đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Với hiệu ứng nhà kính và các khối bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C.
Nắng nóng khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6 đạt 89,209 triệu kWh - mức kỷ lục trong lịch sử. Lượng tiêu thụ trung bình ngày tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.
"Kỳ hoá đơn tiền điện tháng 6 gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nóng kéo dài đầu tháng 6. Khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/5 đến ngày 15/6, khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều có thể xảy ra", đại diện EVNHANOI nói và bác khả năng chỉ số công tơ bị ghi sai.
Còn ông Lê Văn Trang - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, nắng nóng diện rộng khắp miền Bắc Trung bộ cuối tháng 5 và hơn 10 ngày đầu tháng 6 gây ra những thách thức không nhỏ trong việc cung ứng, vận hành lưới điện. Sản lượng điện tại 27 tỉnh, thành phía Bắc trong phạm vi quản lý của EVNNPC tăng 10-15% trong đợt nắng nóng.
Ông Nguyễn Trọng Phụng - Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNNPC nói thêm, việc ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng đều có sự giám sát của khách hàng. Tổng công ty xử lý nghiêm những trường hợp ghi sai, ghi không đúng số tiêu thụ.
Nguyên nhân khác khiến hóa đơn tiền điện cao là cách tính biểu giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay, khiến khách hàng dùng điện càng nhiều, tiền điện phải trả càng cao.
Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT. Do đó, lượng điện sử dụng càng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao.
Trong khi đó, sử dụng điều hoà làm mát khi thời tiết nắng gắt, theo các chuyên gia cũng làm tiêu tốn điện năng nhiều hơn. Ông Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Nhiệt - lạnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nói: "Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng giảm 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5-3%".
Ông khuyến cáo nhiệt độ điều hoà chỉ nên để ở mức 26-28 độ C. Nếu chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, giúp tiết kiệm khoảng 2-3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Kỳ Duyên