Lễ Vu Lan là ngày lễ lớn, diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm. Năm nay, ngày Vu Lan báo hiếu rơi vào ngày trong tuần. Vì trùng vào ngày đi làm nên rất nhiều gia đình làm lễ thắp hương trước mấy ngày. Sáng nay (12-7 Âm lịch), tôi ra chợ mua đồ lễ, thấy chợ đông đúc hơn mọi ngày. Rất nhiều người cũng mua đồ về thắp hương.
Người Việt xem trọng đạo hiếu. Thế nên, lễ Vu Lan là dịp tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên, hầu như gia đình nào cũng làm lễ thắp hương. Và một thủ tục không thể thiếu là đốt vàng mã. Căn nguyên của tục lệ này là niềm tin có một đời sống khác sau khi chết, cộng với lòng hiếu thảo, bổn phận và trách nhiệm, ước mong được đầy đủ, sung túc của người sống đối với người chết.
Nhiều người Việt không hiểu đúng, lại lầm tưởng rằng đốt nhiều tiền vàng mã cho người chết thì họ sẽ được đầy đủ, an vui và phù hộ độ trì cho người sống được khỏe mạnh, may mắn, làm ăn phát đạt. Cứ đến mồng Một, ngày rằm hàng tháng và những ngày lễ Vu Lan, Tết Nguyên đán, người Việt thường chi rất nhiều tiền vào việc mua vàng mã về đốt.
Sau khi kết hôn, tôi cũng từng làm theo tục lệ này, mua vàng mã để đốt vào ngày lễ Tết trong suốt tám năm. Đến khi tin hiểu, tôi mới biết rằng việc đốt vàng mã là hoàn toàn vô ích, chỉ lãng phí tiền của, công sức và gây ô nhiễm, hỏa hoạn mà thôi. Thắp hương cầu khấn nghĩa là bày tỏ sự mong muốn, còn được hay không là chuyện khác. Nếu mình thành tâm, chỉ làm điều tốt lành thì việc lễ sẽ được an.
>> Nhà tôi ba đời không thả cá, đốt vàng mã ngày ông Táo
Tôi nghĩ rằng việc kính hiếu các thần linh, ông bà tổ tiên về mặt tâm linh đều đáng trân trọng. Nhưng không có chuyện đốt càng nhiều vàng mã thì các cụ nhận được càng nhiều tiền và phù hộ cho mình nhiều, dâng tiền lễ càng nhiều thì gặp càng nhiều điều tốt... Điều đó hoàn toàn là hiểu sai. Do vậy, tôi không đốt vàng mã khi thắp hương suốt 10 năm nay.
Ai đốt vàng mã cũng xuất phát từ tấm lòng của họ đối với người thân. Nhưng có nhiều cách để thể hiện tấm lòng của mình với người đã khuất. Thay vì đốt vàng mã, tại sao chúng ra không dùng số tiền đó để làm công đức, thiện nguyện, giúp đỡ người thân, người nghèo để tích phú. Hành động đó vừa mang tính nhân văn hơn, đồng thời vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Hy vọng rằng người dân thắp hương, đến lễ chùa cần có cái tâm để tự cải thiện mình theo lời dạy của Phật là làm phúc, làm điều lành, không làm điều ác. Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Vu Lan. Thay vì việc mua sắm lễ to, đốt nhiều vàng mã cho các bậc thần linh, ông bà tổ tiên, chúng ta có thể về nhà ăn cơm cùng bố mẹ, quan tâm đến gia đình, làm những việc thiết thực có ích với bố mẹ, người thân để thể hiện tấm lòng hiếu thảo. Nếu có điều kiện hơn nữa thì hãy làm việc thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.