(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh, thường là nữ, có thu nhập thấp (nếu theo định nghĩa về đóng thuế thu nhập cá nhân) thường có xu hướng muốn lui về nhà chăm sóc con cái. Họ cho rằng như vậy sẽ tốt cho việc nuôi dạy con hơn. Làm một phép tính đơn giản:
- Một đứa trẻ đi học lớp nhà trẻ cũng mất khoảng 2-3 triệu đồng mỗi tháng
- Không phải trường học nào ở tầm học phí đó việc dạy học cũng đủ chất lượng. Hơn nữa, con đi học lười ăn, đau bệnh, cô giáo không quản được hết...
Nhà có khoảng hai bé thì sơ sơ mất khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng, chưa kể công đưa rước và phát sinh khác. Từ đó, nhiều người hình thành nên tư tưởng lương không cao thì ở nhà chăm con, vừa đỡ tốn tiền cho con đi học, vừa đỡ tiền thuê giúp việc. Con được ăn ngon, được mẹ nuôi dạy tốt, nhà cửa luôn sạch sẽ gọn gàng, cơm nước tươm tất, chồng về nhà sẽ có cảm giác rất thoải mái, yên bình.
Tuy nhiên, tôi xin kể lại hai câu chuyện của bạn tôi để mọi người đánh giá liệu thực tế có luôn lý tưởng như vậy không:
Câu chuyện thứ nhất kể về một người bạn mà trước kia tôi luôn ngưỡng mộ vì thành đạt. Cũng một phần do chị độc thân nên có nhiều thời gian phấn đấu hơn người khác, nắm giữ chức trưởng phòng ở một công ty lớn với một phòng ban khá hùng hậu phía dưới. Sau đó, chị lập gia đình ở tuổi 35 (cũng không phải còn trẻ nữa). Sau khi có liền hai đứa con, chị quyết định lui về hậu phương chăm sóc gia đình và mở một shop bán đồ online nhỏ. Từ đó đến nay đã 6-7 năm, tôi thấy chị đã là con người hoàn toàn khác, trở thành một bà nội trợ chính hiệu, Facebook của chị tràn ngập hình ảnh con cái, món ăn, lâu lâu chị cũng có một vài dòng bàn chuyện thương trường, chính trị xã hội nhưng tư tưởng khá ngô nghê, không hợp thời.
6-7 năm có lẽ không phải khoảng thời gian "cách ly" xã hội quá dài để một con người trở nên "tối cổ" theo cách nói của cộng đồng mạng, nhất là khi chị vẫn vào mạng xã hội, tiếp xúc xã hội qua thế giới ảo. Tuy nhiên, có lẽ tầm nhìn bị giới hạn trong căn bếp, quanh quẩn chuyện ăn ngủ của con cái, nên nó ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức của chị về thực trạng xã hội.
Thêm vào đó, chị lại thường xuyên tham gia các nhóm "mẹ bỉm sữa", mà người có kiến thức, trình độ trong đó thì thường ngại phát biểu nhiều, ngược lại, có nhiều mẹ chỉ siêng đọc báo mạng và tổng hợp thông tin từ người này người kia, phát biểu về việc chăm sóc con, nuôi dạy con... với nhận thức khá lệch lạc, nên chị cũng bị ảnh hưởng. Như có lần chị lên Facebook cá nhân của mình phát biểu về việc không nên tiêm vaccine cho con như một bác sĩ chuyên nghiệp mà không nhận thức được rằng đó là một quan điểm còn đang gây tranh cãi, một người không có chuyên môn y khoa không nên lạm bàn để gây ảnh hưởng tiêu cực lên cộng đồng.
>> 'Đi làm 12 tiếng mỗi ngày, tôi vẫn lo hết việc nhà để chồng tập trung sự nghiệp'
Câu chuyện thứ hai là về một đồng nghiệp khác của tôi. Người này khi xưa rất trẻ đẹp và sau khi tốt nghiệp, ra đi làm, đã nhanh chóng trở thành một nhân viên kinh doanh có doanh số hàng đầu công ty. Sau khi lấy chồng ở tuổi 25, người bạn này có liền đứa con đầu lòng. Lúc đó, người chồng có tính hay ghen, thấy vợ làm công việc giao tiếp khách hàng nhiều nên không thích. Hơn nữa, cũng vì lo cho con cái nên anh chồng đề nghị vợ ở nhà, không cần đi làm, một mình anh lo cho gia đình là đủ. Thương chồng, thương con, bạn tôi quyết định ở nhà ở tuổi 27 khi đang mang bầu bé thứ hai và ốm nghén khá nhiều trong ba tháng đầu.
Người đồng nghiệp xinh đẹp thuở nào bây giờ đã là một bà nội trợ phốp pháp, quanh quẩn với mâm cơm, hộp sữa. Có lần gặp mặt nhóm bạn cũ cùng công ty, cùng nhau nói chuyện gia đình, bạn tôi tâm sự: có lẽ do ở nhà nhiều nên cũng tù túng, sinh ra đổi tính đổi nết, không còn hiền thục như ngày xưa mà quát con sa sả đến nỗi bé lớn 8 tuổi vốn nhạy cảm càng trở nên lầm lỳ và có định kiến với mẹ.
Bạn biết nóng nảy với con như vậy là không hay và ảnh hưởng đến tính cách của con, nhưng vì quá stress nên không thể kiềm chế được. Tệ nhất là bé đã ý thức được chuyện mẹ ít tiếp xúc xã hội, còn ba đi làm là giám đốc kinh doanh khá thành công, nên gần như chỉ nghe lời ba, mẹ khuyên gì thì bé nói: "Mẹ ở nhà thì biết gì mà nói". Có lúc bạn tôi nghe vậy bị tổn thương, cáu lên, đánh bé một trận thì bé ấm ức giận mẹ cả ngày.
Hơn nữa, chồng bạn ra ngoài giao thiệp đối tác, khách hàng, chắc cũng có sự so sánh những người phụ nữ trí thức không xinh đẹp thì cũng thông minh, sắc sảo so với người vợ "eo bánh mì", suốt ngày diện đồ bộ ở nhà, mà quên rằng cô vợ mình đã từng là một hoa khôi ở công ty. Vì vậy anh cũng thường xuyên nhấm nháy, "thả thính" cô này cô kia. Có nhiều lần, bạn tôi rình coi tin nhắn và bắt gặp, nhưng anh giải thích vì tính chất công việc nên làm vậy để thuận lợi hơn trong công việc, quan hệ khách hàng... chứ không có gì. Chồng đi làm, đi cafe ăn nhậu với bạn bè, khách hàng tối ngày, bạn tôi đành "mắt nhắm mắt mở" cho qua chứ không còn sức nhiều để tiếp tục rình rập, soi mói chồng mỗi ngày. Chẳng lẽ bắt chồng hạn chế lại thì ai đem tiền về nuôi cả gia đình?
Hỏi bạn có ý định đi làm lại sau khi bé nhỏ vào mẫu giáo không? Cô chỉ nói "không biết bắt đầu từ đâu", nhiều năm xa rời công việc, kiến thức lạc hậu, kỹ năng phòng mai một, lợi thế ngoại hình cũng không còn. Tôi nhấp ngụm nước, thấy chạnh lòng thương cho đồng nghiệp cũ của mình. Sự hy sinh của bạn tưởng chừng như được chồng con ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng, thật trớ trêu thực tế lại không phải như vậy.
>> Tôi sẵn sàng trông con, làm việc nhà để vợ đi làm kiếm tiền
Từ hai trường hợp của bạn tôi kể trên, cùng nhiều người khác quen biết ngoài xã hội, tôi nghĩ bỏ việc về chăm sóc gia đình không phải là cách "thương chồng, thương con" lý tưởng; và đi làm dù lương ba cọc ba đồng, mục đích chính không chỉ là góp phần xây dựng kinh tế gia đình mà quan trọng hơn, là để giao tiếp xã hội, có cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng suy nghĩ, nhiều tầng lớp xã hội, từ đó mở rộng tầm nhìn, nhân sinh quan, nâng cao vị thế bản thân, để nuôi dạy con tốt hơn và giúp bản thân mình hấp dẫn hơn trong mắt chồng con.
Tôi nói ý kiến của mình trên đây có thể làm nhiều mẹ/ bố bỉm sữa đang ở nhà làm nội trợ phản ứng, nhưng chúng ta nên suy nghĩ cân nhắc về việc này. Nhiều người sẽ cho rằng mỗi nhà mỗi cảnh, không thể lấy điều kiện của người này áp đặt cho người khác. Nhưng nuôi con đâu phải là lo cho ăn uống bổ dưỡng, đi "phân đẹp", cho cao khỏe như quảng cáo, tự dạy con ít chữ, vài phép toán cho con đọc vanh vách là đã đắc ý con mình giỏi hơn bạn cùng trang lứa? Chúng ta cần nhìn xa hơn nếu không muốn lặp lại vòng luẩn quẩn của thế hệ đi trước.
Chúng ta cần nuôi dạy con cho tử tế, để chúng sau này lớn lên, không làm lãnh đạo, không thành đạt, thì cũng trở thành con người văn minh, lịch sự, tự lo được cho bản thân và gia đình, giúp ích cho xã hội, có ứng xử hài hòa, thỏa mãn ý chí và hoài bão của bản thân. Cho nên cách nào để đạt được điều này, với vai trò là bậc cha mẹ, chúng ta cần có trách nhiệm và cố gắng thực hiện cho bằng được, và nó sẽ không đến từ việc "nghỉ việc ở nhà nuôi dạy con".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Ngọc Quân