Giáo dục con chưa bao giờ là việc dễ, thậm chí, đó còn là việc khó khăn bậc nhất của một người cha mẹ có nhận thức. Giáo dục đúng cách sẽ giúp những đứa trẻ tự tin, chững chạc, khôn ngoan hơn bạn đồng trang lứa. Ngược lại, giáo dục sai cách sẽ khiến đứa trẻ tự ti, khờ khạo và luôn phải có người nâng đỡ, bao bọc bên cạnh, cho dù 16 hay 60 tuổi.
Ba sai lầm phổ biến mà các bậc cha mẹ "cổ hủ" thường áp dụng với con cái, khiến chúng bị "ngố đời", không trưởng thành nổi, thậm chí sa đà vào những lối sống tiêu cực, đó là: không cho con được động đến tiền khi còn nhỏ; né tránh nói chuyện với con về giáo dục giới tính; cấm con đến những nơi mà cha mẹ cho là không lành mạnh như vũ trường, quán bar, karaoke.
Bản thân tôi cũng là nạn nhân của lối giáo dục "cổ hủ", khiến đến 23 tuổi vẫn chỉ là một "thằng ngố" trong mắt người khác, luôn mang tư tưởng nổi loạn, chống đối "bề trên". Khi còn ở cùng bố mẹ, tôi rất thích giao du với đám bạn hư hỏng, bởi chúng cho tôi những cảm giác, trải nghiệm những thứ vốn luôn bị bố mẹ cấm đoán. Rất may mắn, tôi được người chị họ đưa vào Sài Gòn làm lại cuộc đời.
Chỉ khi rời xa gia đình, sống tự thân độc lập, đi làm có tiền để trải nghiệm cuộc sống, tôi mới hết tò mò về cuộc sống, mới biết phân biệt đúng - sai, tốt - xấu mà theo, mà tránh. Vì vậy, đối với con, tôi luôn có cách giáo dục hoàn toàn ngược lại với cách mà mình từng được giáo dục lúc bé. Tôi dạy cho con phải biết quản lý tiền từ lúc 5-6 tuổi. Mỗi khi được nhận tiền mừng tuổi Tết hoặc có ai cho tiền, tôi dặn con phải cất vào các ống tiết kiệm theo từng mục đích: ống đầu tư, ống ăn chơi, ông mua quần áo, ống mua sách, ống tự do tài chính...
Ngoài ra, tôi luôn dạy và khuyến khích con bỏ ít tiền đầu tư vào những việc kinh doanh vừa tầm, như mua đá trắng về vẽ hình để bán lại có các bạn. Đó là cách tạo "hạt mầm" kinh doanh cho con về sau. Rất nhiều thanh niên bị bố mẹ cấm động đến tiền cho đến khi rời xa ra đình để học đại học. Và ‘trái bom nổ chậm’ ấy đã được dịp phát nổ. Tháng đầu tiên nhận tiền trợ cấp của gia đình, lần đầu tiên trong đời được cầm trong tay một khoản tiền lớn như vậy, nhiều người sẽ băn khoăn không biết làm gì cho bõ bao tháng ngày tò mò, ức chế? Và không ít bạn trẻ sa ngã từ đây.
>> Khái niệm 'con ngoan' sai lầm của cha mẹ Việt
Việc giáo dục giới tính trong gia đình tôi vốn nhiệm vụ chính của mẹ, vì con tôi là con gái. Mẹ phải như một người bạn thân nhất, luôn đồng hành cùng con, lắng nghe mọi tâm tư và chia sẻ quan điểm cùng con. Mẹ phải chủ động phát hiện những tâm trạng bất thường của con và khéo léo lồng vào các buổi nói chuyện về giáo dục giới tính. Việc những đứa trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn phần lớn do sự bỏ bê công tác giáo dục giới tính từ phía gia đình. Nếu là con trai thì đương nhiên các ông bố phải là "người thầy chính".
Tôi cũng luôn tạo cho con cơ hội tiếp cận và mở mang thế giới quan bằng việc cho con đi du lịch trong và ngoài nước. Con sẽ không có cảm giác quá thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa. Và tôi cũng chủ động đưa con vào quán bar để con biết rằng nơi đây chẳng qua cũng giống như quán cà phê có nhạc mạnh. Rất vui là con gái tôi lại không hứng thú với môi trường nhiều cám dỗ đó.
Với cách giáo dục chủ động như vậy, tôi tin rằng con mình không thể bị lôi kéo, dụ dỗ và sa đà vào những thói hư tật xấu. Bởi ngay từ khi còn học sinh, con đã được tiếp cận khá toàn diện thế giới, không còn gì phải tò mò, thèm khát, ức chế vì bị cấm cản.
Và cũng không phải vì tôi có kinh tế khá giả nên mới giáo dục con như vậy. Không đi du lịch nước ngoài thì bạn có thể đi trong nước, về quê nội, quê ngoại chẳng hạn. Không vào bar thì hãy đưa các con đến quán cà phê nhạc sống, có DJ với chi phí bình dân... Quan trọng nhất là cha mẹ phải thực sự hướng đến sự phát triển toàn diện cho con, dành đủ thời gian để làm bạn và giáo dục con cái.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm dạy con trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.