Chia sẻ xung quanh câu chuyện "'video bẩn' đe dọa con trẻ", nhiều độc giả VnExpress cho rằng, nguyên nhân chính đến từ sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh:
Quan trọng nhất vẫn là bố mẹ phải hướng dẫn và bảo vệ con cái của mình. Ra ngoài đường nắm được tay con để đi đứng an toàn thì ngồi trong nhà cũng cài đặt, quan sát, chỉ dẫn được con cái mình xem gì? YouTube có vô vàn những thứ bổ ích mà con bạn và thậm chí chính bạn có thể dùng để học, để làm. Nhưng bạn không quản thì cũng chẳng khác nào thả trẻ con ra ngoài đường thích đi đâu thì đi. Đây là thời đại số, con người đã, đang và sẽ sử dụng internet trong cuộc sống hằng ngày. Cá nhân tôi nghĩ phải dạy trẻ cách sử dụng internet càng sớm càng tốt. Điều này sẽ bảo vệ và phát triển bé cho đến khi chúng lớn
Hiện nay, YouTube có cơ chế giới hạn độ tuổi người xem để tránh cho các em nhỏ tiếp cận video có nội dung người lớn. YouTube cũng có ứng dụng riêng Youtube Kids với các nội dung bổ ích cho trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các các em vào xem từ máy tính bảng, TV hoặc điện thoại của bố mẹ, đăng nhập bằng tài khoản của bố mẹ, nên mặc định là người lớn đang xem. Trách nhiệm ở đây thuộc về phụ huynh khi không quản lý, phó mặc con em mình cho các thiết bị công nghệ. Hơn nữa các bố mẹ cũng không cập nhật kiến thức công nghệ, bởi mọi thiết bị đều có chức năng kiểm soát trẻ em.
Phụ huynh giờ rất lười. Ra ngoài, tôi thấy đứa con nít chăm chăm nhìn vào cái điện thoại, mắt đỏ hoe, chảy nước mắt, nhưng nhắc nhở thì cha mẹ chúng bảo "kệ nó". Làm cha, làm mẹ chỉ thích nhàn thân, không nói chuyện với con, không dạy cho con về thế giới xung quanh. Đến tuổi đi học thì "gửi" trọn cho thầy cô. Học giỏi học dốt, đạo đức lên xuống cái gì cũng do nhà trường.
Nếu cha mẹ quan tâm hơn đến con thì đâu đến nỗi. Nhưng phần đông cứ phó mặc cho con cái điện thoại rồi làm công việc của mình, đến khi xảy ra vấn đề lại không hối lỗi mà quay qua đổ thừa cho YouTube, điện thoại... Tôi nói ra quan đểm này không phải để kênh YouTube mà là muốn các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến con mình. Như vậy sẽ không có những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
>> Những bố, mẹ bị xếp sau Facebook, YouTube
Gợi ý các biện pháp giám sát, kiểm soát việc sử dụng YouTube của trẻ, nhiều ý kiến cho rằng:
Có một điều khá bất ngờ là YouTube có YouTube Kid với bộ lọc khá mạnh, nhất là quảng cáo, mà ít có ba mẹ nào cài đặt cho con. Chưa kể YouTube Kid có bộ chặn video cũng rất tốt, nên hãy làm ba mẹ thông thái để bảo vệ con, chứ đừng phó mặc cho cái điẹn thoại rồi lại đổ thừa cho cái máy làm hư con. Như tôi, nếu không thể làm gì khác ngoài đưa con cái máy thì tôi sẽ mua hẳn cho nó một cái máy tính bảng giá rẻ, trong đó chỉ cài mỗi YouTube Kid và vài phần mềm đọc sách cho bé, trò chơi cũng thông qua ba mẹ chọn lọc. Máy đó là của con và mình kiểm soát nội dung cho bé. Cái khó là cân bằng thời gian sử dụng cho con.
Theo tôi, trẻ còn nhỏ, chưa nhận thức được thì dùng YouTube Kid, hoặc tốt nhất là tải video vào USB, chỉ cho trẻ xem qua đây, ngắt kết nối mạng của TV... Bên cạnh đó, bố mẹ cũng quy định giờ giấc xem, chơi điện thoại, cho trẻ chơi ở ngoài nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn; có thể dành thời gian đọc sách cùng con 15-30 phút/ ngày. Tôi rất phản đối việc dùng điện thoại để dỗ trẻ con khóc, dụ chúng ăn. Nên học hỏi sự kiên nhẫn dạy dỗ từ cha mẹ chúng ta trước đây, sau này con trẻ lớn lên sẽ an toàn hơn.
Con tôi học lớp 4, có điện thoại, máy tính và máy tính bảng riêng. Tôi không cài YouTube, game trên máy của con mà chỉ có các ứng dụng học đàn, cờ vua, truyện thiếu nhi... Trên máy tính, tôi tạo tài khoản Google cho trẻ nên con tôi không truy cập được. Bạn không thể cấm hoàn toàn các thiết bị điện tử vì các bé thời nay còn học online và cũng có nhiều ứng dụng hay dạy trẻ, nhưng tốt nhất là không cho con xài YouTube.
Tôi cho hai con sử dụng điện thoại riêng và cài hai ứng dụng để quản lý trẻ là Family Link và YouTube Kid. Family link giúp tôi kiểm soát ứng dụng cài đặt lên máy, phê duyệt ứng dụng hoặc cấm ứng dụng, giới hạn ứng dụng phù hợp với độ tuổi, giới hạn thời gian sử dụng máy cũng như sử dụng từng ứng dụng cài đặt trên máy: ví dụ như một ngày con được dùng mấy tiếng, mỗi ngày đến giờ nào máy tự động khóa màn hình... Trong thời gian máy bị khóa, bạn vẫn có thể nhận cuộc gọi hoặc gọi đi được. YouTube Kid giúp tôi phê duyệt những kênh an toàn cho trẻ. Con sẽ chỉ xem được những kênh tôi cho phép, đảm bảo không có video xấu ảnh hưởng đến trẻ.
Để con không coi điện thoại thì phải xem nguyên nhân từ đâu, rồi giải quyết từ gốc rễ của vấn đề. Trẻ con không phải như người lớn nói không xem là chúng không xem. Vậy để các con không xem phải "video bẩn" thì cha mẹ phải có giải pháp:
1. Tạo ra các trò chơi khác cho con (cha mẹ thường không có trò gì cho con làm, nên con nó phải xem điện thoại).
2. Đừng để quá nhiều khoảng thời gian của con dư thừa, dẫn đến hậu quả con giải trí bằng điện thoại.
3. Cài đặt TV các kênh chỉ phục vụ cho việc phát triển, nhưng phù hợp với lứa tuổi (Trên TV, YouTube có nhiều chương trình hữu ích chứ không phải toàn xàm).
4. Cuối cùng mới là khuyên các con không xem (nhưng tùy theo lứa tuổi, không phải lứa tuổi nào cũng có thể hiểu được hết điều mà cha mẹ khuyên).
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.