Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+, rồi chỉ thị 12, đã và đang được áp dụng liên tục tại TP HCM những ngày này. Cứ mỗi lần siết chặt quy định phòng chống dịch, mỗi lần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn, tim tôi lại như thắt lại. Mỗi ngày lướt Facebook, thấy các khu phong tỏa nhiều hơn, số ca dương tính tiếp tục tăng cao mà tôi nghẹn lại nơi cổ họng.
Hôm qua, tôi nghe một anh bạn báo tin trong một nhóm bếp từ thiện chuyên đi nấu ăn cho các bệnh nhân nghèo và những người dân trong khu phong tỏa, rằng có nhiều người bị dính Covid-19, trong đó có hai người mà tôi từng quen biết. Mẹ của một trong hai người đó cũng vừa qua đời...
Sáng nay, tôi lại nghe một người bạn từ Myanmar báo về rằng người anh em chí cốt của tôi cũng vừa qua đời vì Covid-19 ở bên đó. Tất cả những người bạn của tôi tại Myanmar cũng đã bị nhiễm bệnh. Cả hệ thống y tế tại đây suy sụp, con số tử vong ngày càng lớn. Ngay cả người có tiền, có chức vụ cũng không thể kiếm được bác sĩ, bệnh viện hay oxy để thở.
Cũng sáng nay, tôi gọi qua Singapore để hỏi thăm, đất nước đi đầu về tiêm chủng tại Đông Nam Á. Tình hình cũng chưa khả quan. Singapore bây giờ cũng phải "lock down".
Cả Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung đâu đâu cũng thấy bệnh tật. Cuộc chiến chống Covid-19 vì thế sẽ còn rất dài. Có thể đây là lần đầu tiên có một cuộc chiến mà các lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế lại là các chiến sĩ thực sự ở tuyến đầu, cố gắng giành giật lại từng mạng người.
Cũng trong sáng nay, khi tôi kể cho người bạn tại Singapore nghe về cách chống dịch tại Việt Nam, về cách chúng ta đang phong tỏa, về cách đối xử của những người dân đất Việt, chia sẻ cho nhau từng cọng rau, từng miếng thịt trong những khu phong tỏa chống dịch... anh ấy "ồ" lên vì tình người quá ấm áp.
Tôi cũng kể về cách chúng ta tiêm chủng và chiến lược tiêm chủng diện rộng, khi nhà nước ưu tiên cho công nhân và những người lao động dễ bị tổn thương nhất, những người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, bác sĩ, lực lượng vũ trang...
>> Dòng người hồi hương khi Sài Gòn 'trở bệnh'
Để chiến thắng đại dịch, cách duy nhất để chúng ta vượt qua là kiên trì, nhẫn nại thực hiện nghiêm túc các chỉ thị mà chính phủ đặt ra; cùng đồng lòng đoàn kết, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào, giúp những người gặp khó khăn thông qua điện thoại trực tiếp lên Ủy ban phường, xã để lấy thông tin hướng dẫn, cùng chính quyền hỗ trợ người dân; không nên lập hội nhóm tự phát, đi đến thẳng khu phong tỏa trao phát quà vì điều đó sẽ gây mất an toàn cho chính bạn và gây khó khăn trong việc phân phát công bằng đến những người cần trợ giúp.
Tiêm chủng vaccine chính là chìa khóa duy nhất trong lúc này để mọi sự có thể trở lại bình thường. Tất cả chúng ta, ai cũng mong muốn có thể chích những mũi vaccine sớm nhất và tốt nhất, nhưng số liều vaccine vẫn không đủ. Vì vậy, chỉ có một biện pháp duy nhất là thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, bình tĩnh, kiên trì đợi tới phiên mình, vì chắc chắn chúng ta sẽ được chích. Nên nghiêm túc thực hiện "công bằng vaccine", ưu tiên những người tiền tuyến và những người dễ bị tổn thương nhất.
Và nếu lỡ chúng ta có không may trở thành F0, xin hãy bình tĩnh, đó là điều quan trọng nhất. Hiện tại, y tế đã rất vất vả, thế nên mọi người cần bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, hỏi kinh nghiệm những người từng bị và đã khỏi để có thể tự điều trị tại nhà và chờ đội ngũ y tế đến. Tôi cũng có rất nhiều người bạn tại Việt Nam, Myanmar và Singapore đã điều trị tại nhà và khỏi bệnh.
Cuộc chiến này thật sự có quá nhiều tổn thất, mất mát. Một cuộc chiến mà chúng ta tin cuối cùng con người cũng sẽ chiến thắng, nhưng để chiến thắng thì phải cần thời gian và cố gắng giảm thiệt hại một cách tốt nhất, chỉ có một con đường duy nhất đó là: bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối và thực hiện nghiêm các chỉ thị.
Mọi thứ mất đi đều có thể kiếm lại được bằng sự cố gắng, chỉ duy nhất tính mạng mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được dù cố gắng cỡ nào.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.