Ngày có được công việc đầu đời, tôi đã mạnh dạn tuyên bố với bố mẹ là từ nay sẽ tự nuôi thân, quyết không nhận thêm một đồng trợ cấp nào nữa.
Cũng kể từ thời điểm đó con "gái cưng của mẹ" đã biết lo cho miếng ăn của ngày mai hơn hôm nay rồi. Tuy vẫn là một cô nhân viên văn phòng chưa có dư dả nhiều, nhưng tôi vẫn đủ khả năng chi tiêu cho những sở thích cá nhân (đặc biệt là đi du lịch), có khoản để dành và đầu tư riêng. Vậy thì tiền ở đâu ra?
Tôi học cách tiết kiệm. Vậy với mức lương văn phòng mỗi tháng chỉ vừa đủ ăn thì tôi tiết kiệm kiểu gì?
Sau khoảng thời gian chật vật với việc đặt câu hỏi "để tiền ở đâu?", tôi rút ra được 6 quy tắc chi tiêu như sau:
- Luôn chia một khoản tiết kiệm trước khi tiêu dùng.
- Hạn chế các khoản tiền dùng trước trả sau.
- Chỉ chi tiêu cho những thứ đáng chi tiêu.
- Tìm hiểu cách sử dụng tài sản hiệu quả.
- Có kế hoạch trước khi "săn sale".
- Đầu tư để tiết kiệm.
Cụ thể là:
Luôn chia một khoản tiết kiệm trước khi tiêu dùng. (Kế hoạch lên vào ngày lĩnh lương)
Để tránh chi tiêu vô tội vạ, tôi luôn chia ra một khoản gửi vào tiết kiệm trước khi tiêu dùng, từ đó xác định được mỗi tháng sẽ có chính xác bao nhiêu "lúa" để "xài".
Khoản dành cho chi tiêu của sẽ bao gồm:
Chi tiêu trung bình tháng + 1-2 triệu đồng phát sinh (cho trường hợp nhận thiệp hồng thiệp trắng, ốm đau, xe hư, điện thoại bể...).
>> Làm 5 năm chỉ tiết kiệm được 100 triệu đồng vì mê du lịch
Ví dụ: Mỗi tháng công ty phát cho tôi 15 triệu, trung bình một tháng chi tiêu 7 triệu đồng (bao gồm ăn, ở, đi lại và tiệc tùng thường niên...). Vậy tôi sẽ trích cho khoản tiêu dùng 9 triệu, còn 6 triệu đồng gửi tiết kiệm.
Cách này khá đơn giản và phù hợp với những người không giỏi tính toán chi tiết như tôi. Vì tôi không đủ kiên nhẫn ngồi ghi chép ra ngày này, tuần này đã tiêu bao nhiêu, khoản nào chiếm nhiều nhất để cắt giảm vào tuần sau tháng sau. Vậy nên cứ cầm một cục trong tay, rồi nhìn đó mà "liệu cơm gắp mắm".
Hạn chế các khoản tiền dùng trước trả sau
Điều này có vẻ sẽ đi ngược với chính sách "cho vay tiêu dùng" của các ngân hàng, nói đơn giản là các loại thẻ visa, nhưng nó hữu hiệu trong trường hợp của tôi.
Tôi nói không với thẻ tín dụng và rất hiếm khi mượn tiền để tiêu xài. Tại sao có nguồn tiền trước mắt lại không tận dụng? Vì tôi không giỏi kiểm soát chi tiêu, nên tiền "dùng trước trả sau" sẽ là một cái bẫy chi tiêu.
Khi lọt bẫy thì mình sẽ nhanh chóng bị đồng tiền làm mờ con mắt, cứ vung thôi mà không biết đào đâu ra tiền để trả... Vậy nên cách tốt nhất là thấy trước cái bẫy để tránh.
Chỉ chi tiêu cho những thứ đáng chi tiêu
Lý thuyết thì đơn giản vậy nhưng bản thân đôi lúc cũng không kềm lòng được giữa cuộc đời đầy mê hoặc này. Trước khi chi tiêu cho bất cứ một khoản nào "kha khá", tôi đều hỏi bản thân ba câu hỏi":
- Nếu không chi tiêu cho khoản này thì sẽ gặp bất lợi gì?
- Khoản này có thể chi tiêu sau được không (để sau này mua được không)
- Những việc gì sẽ cần dùng đến cái này (cái mà mình sắp mua), nguy cơ cái đó bị "bỏ xó" là bao nhiêu phần trăm?
Tôi tin không chỉ mình mà mọi người, sau khi tự vấn "túi tiền" bằng ba câu hỏi này, thì cái máu "thích là nhích" cũng sẽ được hãm lại ít nhiều.
>> Tôi nấu cơm mang đi làm, tiết kiệm tiền mua nhà
Tìm hiểu cách sử dụng tài sản hiệu quả
Kinh nghiệm xương máu của tôi từ chiếc xe có tiền chữa bệnh sắp bằng tiền bán. Tôi khá là lười trong mấy chuyện bảo quản xe cộ máy móc, nên mình đã để xe cạn không còn giọt máu (dầu nhớt) mà không được bảo dưỡng gì trong suốt một thời gian dài.
Đến một ngày tối trời, em nó đổ bệnh thì đã quá muộn màng vì bệnh ngấm vào tận tâm can luôn rồi. Ngồi trong tiệm sửa xe, tôi vừa tiếc tiền, vừa xót xe, vừa phải ngậm ngùi ngồi nghe anh sửa xe chửi.
Vậy nên hãy có trách nhiệm với những tài sản của mình, dù là tài sản giá trị cao hay thấp. Vì một vật dụng không được sử dụng đúng cách vừa không phát huy được hết công suất, lại gây thêm phiền phức và ngốn thêm một mớ tiền của bạn không biết chừng
Có kế hoạch trước khi "săn sale"
Hàng giảm giá vừa là công cụ tiết kiệm nhưng cũng là cái bẫy chi tiêu. Trước khi tìm mua đồ giảm giá, tôi sẽ cố gắng xác định chính xác những thứ cần mua, chỉ tập trung tìm thông tin về những thứ đó và hạn chế tối thiểu việc lượn lờ trên các trang thương mại điện tử mà không có mục đích trước.
Cũng giống như việc đi siêu thị và đi chợ truyền thống, bao giờ đi siêu thị cũng tốn tiền hơn, vì có hàng ngàn thứ được trưng bày chỉ để mời gọi mình bỏ giỏ.
Những trang web thương mại điện tử rất giỏi trong việc gợi ý người xem click vào nút bỏ giỏ một sản phẩm nào đó mà có khả năng đến 80% là mình không hề có nhu cầu sử dụng nó ở hiện tại. Chỉ là "rẻ mà, mua để đó mốt cũng sẽ có lúc cần". Không biết có lời lãi gì nhiều không, nhưng tôi thấy tiền mình đang trôi đi mà đến lúc cần dùng thì sản phẩm đó đã hết hạn, lỗi thời rồi.
Vậy nên nhất định phải tỉnh táo khi "săn sale".
>> Phụ nữ độc thân nên tích góp tiền hay sống hưởng thụ?
Đầu tư để tiết kiệm
Chính xác là tôi đang nói đến đầu tư để tiết kiệm chứ không phải đầu tư để sinh lời. Với tôi, đầu tư để tiết kiệm bao gồm: Đầu tư cho tài sản và đầu tư cho bản thân.
Đầu tư cho tài sản là sao? Là chấp nhận mua những sản phẩm "đáng đồng tiền bát gạo". Lập luận của tôi là nếu đã mua thì mua cho đáng, để vật dụng đó đem lại sự thoải mái nhất cho người dùng, có thể sử dụng trong thời gian dài, sử dụng trong nhiều hoàn cảnh... (nói chung là khấu hao triệt để).
Vì nếu chia theo khấu hao lâu dài, mỗi vật dụng "đáng đồng tiền bát gạo" sẽ đem lại giá trị sử dụng cao hơn cho mỗi lần dùng so với những vật dụng "tiền ít mà hít hàng thơm".
Tỉ dụ như một đôi giày hàng hiệu có thể có giá gấp bốn, năm lần đôi giày bình dân, nhưng tôi vẫn sẽ chọn mua một đôi giày xịn. Vì một đôi giày tốt sẽ mang lại cảm giác thoải mái hơn khi khi di chuyển, không gây hại cho sức khỏe, bền hơn và đồng thời cũng nâng cao giá trị (về bộ nhận diện cá nhân) hơn trong mắt khách hàng, đồng nghiệp, đối tác...
Đầu tư cho bản thân là sao? Là mình chấp nhận đi mua kiến thức. Kiến thức có giá trị sử dụng lâu bền và đặc biệt không bị khấu hao theo thời gian, càng mua sớm càng tiết kiệm cho tương lai. Cái này thì chắc mọi người đều hiểu rõ hơn mình nên tôi sẽ không giải thích dài dòng nữa.
>> Ở thuê kiếm được nhiều tiền hơn mua nhà
Sao tôi nói hay vậy mà đến bây giờ vẫn giữ vững phong độ của "con nhà nghèo"? Mỗi người đều có cách chi tiêu khác nhau cho khoản tiết kiệm của mình, người thì đầu tư sinh lời, người đầu tư cho tài sản lâu bền, người dùng cho kế hoạch tương lai, người dùng cho gia đình...
Riêng tôi dùng phần lớn cho việc đáp ứng các sở thích cá nhân, đặc biệt là đi du lịch. Tôi cũng đi được kha khá nơi, tích lũy được kha khá trải nghiệm. Vậy nên không nhất thiết là phải dùng tiết kiệm để "đầu tư sinh lời", miễn là chi tiêu có mục đích rõ ràng và chi tiêu tỉnh táo.
Những chia sẻ trên tôi đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, có thể còn thiếu sót và "cực đoan" ở một vài điểm, mọi người cùng góp ý và chia sẻ, xin cảm ơn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Nguyễn Ly