Tôi đồng cảm với việc mua nhà quá sức mình thì rất là mệt đầu. Tôi cũng vậy nhưng lại không thấy hối tiếc. Cách đây vài năm, lương tôi là 15-16 triệu đồng một tháng (tôi là single mom, bố bé hàng tháng chu cấp 3 triệu đồng, coi phim đi chơi cuối tuần cho con thì bố bé trả). Có 250 triệu tích lũy, tôi đã mua căn hộ khoảng 1,4 tỷ, mua dự án và trả theo từng đợt.
Thật ra ban đầu tôi dự định vay mượn người thân bạn bè thêm là được 500 triệu, vay ngân hàng thêm 400 triệu là mua được căn 900 triệu đồng. Lương từ từ sẽ tăng, chi tiêu vẫn thế, kế hoạch trả nợ sau 8-9 năm vẫn khả thi. Nhưng khi bắt tay vào chọn dự án, chọn thiết kế nhà, tôi chỉ ưng được với mỗi căn 1,4 tỷ này nên liều mua luôn.
Tôi tiếp tục ở nhà bố mẹ 1,5 năm (mỗi tháng góp 2 triệu đồng sinh hoạt phí), từng đợt trả tiền nhà thì vay mượn thêm. Tôi rất đau đầu, áp lực sao cho chỉ mượn người thân bạn bè thôi (vẫn trả lãi 8%/năm tính theo tháng). Nhưng vì chẳng có ai có một số vốn dư lâu dài cho tôi mượn cả, nên tôi luôn phải đau đầu kiếm người đủ tin mình để cho mượn, và cũng phải tính toán kế hoạch trả nợ để thuyết phục bạn.
>> Mua nhà tạo áp lực giúp bạn tiết kiệm tiền
Ví dụ nếu cần mượn 4 người để có đủ số tiền thì tôi phải dự trù có 6-7 người đồng ý cho mượn, để nhỡ người này đòi thì có người khác cho mượn để trả. Ngoài ra, ăn tiêu tôi cũng tiết kiệm: 2,5 năm chưa mua một cái áo mới nào, ăn hàng quán cà phê cà pháo cũng gần như không có, chỉ trừ trường hợp đặc biệt.
Du lịch thì công ty cho đi một năm một lần, tôi có cho con đi chơi thêm một lần/ năm. Ăn uống thì nấu cơm nhà mang đi. Có những hôm ăn trưa ngoài, thay vì ăn cơm 22-25 nghìn đồng một phần thì tôi ăn bánh mì chỉ có 10 nghìn thôi. Sau 1,5 năm thì tôi nhận nhà, vẫn tiếp tục tiết kiệm như thế.
Trong thời gian qua tôi còn mua một chiếc xe hơi cũ, đi ì ạch nhưng cũng có cái che mưa nắng. Sau đó nó cũ quá sức và hay hư, tôi phải đại tu một lần cũng cỡ 60 triệu đồng (là lại kiếm đường vay mượn, rất mệt mỏi khi phải tính toán tiết kiệm). Dọn về nhà mới ở thì tôi tiếp tục nghĩ cách kiếm tiền trên chính căn nhà mình ở:
- Tôi cho một bạn thân ở chung - không lấy tiền thuê nhà nhưng bạn ấy trả các phí chung cư, điện nước internet, tôi cũng đỡ được 900 nghìn đồng một tháng.
- Tôi cho một bạn thân khác là giáo viên dạy đàn mở lớp dạy đàn ở nhà tôi, doanh thu chia tư, tôi có nhiệm vụ tìm học sinh. Mỗi tháng tùy, tôi được thêm từ 500 nghìn đến một triệu đồng. Ngoài ra lương tôi sáu tháng tăng một lần, đã lên mức 22 triệu đồng một tháng.
Tôi còn buôn bán online thêm, ăn bạc cắc (vài chục ngàn một món) nhưng vì tôi xài không nhiều nên khoản đó cũng đỡ tiền chợ. Cuối cùng sau 2,5 năm, tôi sở hữu một căn hộ tốt, nếu bán ra được ngay giá 1,7-1,8 tỷ đồng (do tôi chọn dự án khá kỹ), có một xe hơi cũ đi khá tốt và một món nợ cỡ 800 triệu. Suy ra tôi có một tỷ và một xe hơi. Rất bõ công cho việc tằn tiện và mệt mỏi 2,5 năm qua.
>>Người nghèo và bẫy 'nô lệ của ngôi nhà'
Nếu tôi không liều mua nhà, thì tôi sẽ vẫn chỉ có 250 triệu đồng dư sẵn và tích lũy thêm chừng 300 triệu đồng thôi, vì tôi sẽ chi xài nhiều cho váy vóc và du lịch. Còn vì thiếu nợ nên làm đủ mọi cách để kiếm tiền và tiết kiệm tiền.
Tôi hài lòng và tự hào vì mình đã liều như thế. Nói thêm là con tôi vẫn được vui chơi (bố bé dẫn đi hàng tuần), đồ chơi thì ít thôi, quần áo thì vẫn đủ nhưng ít đồ mới giống mẹ, học hành thì vẫn được học đủ: học đàn do bạn tôi dạy miễn phí, học bơi ngay hồ bơi dưới căn hộ, bố bé trả tiền học phí còn tôi trả tiền vé bơi, Anh Văn thì chưa cần, bố bé có mua cho cái tablet để bé tự học.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.