Chỉ riêng trong tuần trước, đã có đến bốn người tâm sự với tôi về chủ đề chán việc.
Tìm hiểu kỹ, tôi thấy họ chán việc vì không còn tinh thần làm việc, chứ không phải vì công ty giảm 30% lương, hoặc thu nhập không đủ sống. Tôi cũng đã từng rơi vào trường hợp như vậy nên khá hiểu rõ. Đó là vào cuối năm 2018, thời điểm tôi có 5 năm làm việc liên tục tại một công ty.
Trong chuỗi thời gian làm việc đó, tôi chỉ nghỉ phép 3 lần, mỗi lần 3 ngày. Nếu tính luôn bốn năm đại học và đi làm, tôi có 9 năm học tập, làm việc liên tục mà không có kỳ nghỉ ngơi dài nào thực sự.
Lễ, Tết mỗi năm chỉ được mấy ngày, mà những ngày ngày thường dành nhiều thời gian cho các hoạt động gia đình, họ hàng. Tôi nhận thấy mình bị quá tải trong công việc và thực sự thiếu thốn thời gian riêng cho bản thân.
>> 'Ác mộng' thất nghiệp khi 35 tuổi chưa lên làm sếp
Thế là trước khi bước vào quý làm việc cuối cùng của năm đó, tôi âm thầm tích lũy tiền tiết kiệm từ việc làm thêm và trích lương hằng tháng để vào "quỹ nghỉ việc cuối năm". Lúc đó tôi để dành được 30 triệu đồng.
Tôi xác định nghỉ sáu tháng để tung tăng đi chơi, về quê "ở ẩn", không làm gì cả và tránh xa mạng xã hội suốt thời gian đó với 30 triệu đồng. Kết quả là sau kỳ nghỉ, tôi thấy bản thân mình mới hơn, tràn đầy năng lượng để xin việc mới.
Tôi nghĩ nếu ai đang rơi vào trường hợp bỗng dưng không có hứng thú làm việc, than trời trách đất khi đến công ty mà lý do không phải ở sếp, đồng nghiệp hoặc lương bổng, thì rõ là đang gặp vấn đề như tôi đề cập. Có nghĩa là sau một thời gian dài làm việc, bạn đã trở nên chán nản với môi trường công sở, chán nản với việc đang làm.
Đây là lúc bạn cần chuẩn bị, trích từ tiền tiết kiệm ra cho quỹ nghỉ việc để bản thân tự do, tung tăng một thời gian. Sinh viên có 12 tháng nghỉ gap year sau thời gian học đại học. Tôi nghĩ người đi làm cũng cần có khoảng thời gian nghỉ giống như thế để làm điều mình thích.
Đình Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.