Mấy hôm nay tôi đọc nhiều bài viết về tình trạng một số người phá sản mùa dịch. Đó có thể là một anh chàng 26, 27 tuổi hùn hạp làm ăn với bạn. Đó cũng có thể là một người bỏ ra số vốn vài trăm triệu đồng để đầu tư mở cửa hàng buôn bán.
Điểm chung thứ nhất giữa họ là khát vọng khởi nghiệp đổi đời. Những người này đa số là làm nhân viên ăn lương, tích luỹ sau vài năm trời để có vốn làm ăn với đời. Thậm chí có một số người vay mượn bạn bè, người thân, ngân hàng để kinh doanh. Điểm chung thứ hai đó là phần lớn những người đó đều khởi nghiệp vào giai đoạn hai năm gần đây.
Có thể họ tài giỏi, có thể ý tưởng kinh doanh của họ tốt, chọn địa điểm mở cửa hàng cũng khá ốn, nhưng kinh doanh vào thời gian dịch bệnh trầm lắng và khó đoán định lúc này thì tôi thấy khá phiêu lưu mạo hiểm.
>> Tiêu hết hai năm tiền tiết kiệm trong 3 tháng dịch
Kinh doanh ngay lúc dịch bệnh còn tiềm tàng và than đã phá sản, tôi thấy nhiều người an ủi, nhưng chẳng ai chỉ ra cái sai lớn nhất của họ chính là quá nôn nóng, vội vàng khởi nghiệp mà không xem xét yếu tố "thiên thời". Người ta nói muốn làm ăn thuận lợi, thành công thì phải nhờ vào cả ba yếu tố đó là thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Thiếu một trong ba yếu tố trên thì cơ hội thành công là rất thấp.
Theo lẽ dĩ nhiên, ai cũng biết thời gian qua khắp nơi trên thế giới đều chịu ảnh hưởng rất tiêu cực vì dịch Covid-19. Như vậy, không cần nghĩ cũng có thể biết được yếu tố thiên thời đã mất đi. Vậy dù bạn có tài giỏi, tìm được mặt bằng kinh doanh đắc địa thì có nghĩa lý gì để thành công?
Tôi đã 37 tuổi, từng khởi nghiệp kinh doanh hai lần vào năm 28 tuổi và 32 tuổi nhưng cũng đều thất bại cả. Lý do đến từ nhiều phía như không có vốn mạnh, xác định tệp khách hàng sai... và thất bại ở lần đầu tiên làm tôi gục gã, nhiều đêm thức trắng. Nhưng sau đó tôi lại gượng dậy đi làm, vừa kiếm sống vừa tích luỹ vốn. Đến năm 32 tuổi lại khởi nghiệp tiếp và lại thất bại một năm sau đó. Lần thứ hai này tôi đã biết sợ và không có ý định kinh doanh buôn bán gì nữa mà vào thế an phận làm công ăn lương.
Bây giờ tôi và gia đình vẫn sống ổn, không giàu có nhưng đủ ăn đủ mặc, mỗi tối ngủ ngon và không phập phồng lo sợ thất bại. Tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ kinh doanh thất bại trong mùa dịch vài lời khuyên. Đó là thay vì ủ rủ, lo lắng vì phá sản, mất tiền thì nên dành thời gian nghiêm túc xem xét nguyên nhân mình thất bại từ đâu?
>> Nỗi lo của bà bún bò sau dịch Covid-19
Mùa dịch giãn cách, ai cũng gặp khó là chuyện đương nhiên. Nhưng các đối thủ kinh doanh giống như mình họ thế nào? Họ có phá sản giống mình không? Nếu họ không những không phá sản mà còn nhanh nhẹn chuyển hướng làm ăn, vẫn có doanh thu đều đặn, còn mình thì phá sản thì các bạn còn đang gặp vấn đề ở yếu tố nhân hoà nữa. Cùng một đề toán, họ làm được và làm tốt, còn mình thì không thì nên nghiêm túc xem xét lại chuyện mình có hợp với làm ăn, buôn bán không?
Nếu mọi yếu tố đều ổn, thì qua dịch làm lại từ đầu, chuyện phá sản bây giờ là yếu tố khách quan. Còn nếu có 2/3 yếu tố không ổn như tôi vừa trình bày thì có lẽ các bạn hợp với nghề làm công ăn lương hơn và nên chuyên tâm bồi dưỡng, rèn luyện nghề nghiệp, các kỹ năng để tìm được việc lương cao hơn.
Muốn thật giàu thì chỉ có con đường kinh doanh. Nhưng đôi khi người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu dám từ bỏ ước mơ thật giàu và theo đuổi con đường vừa sức với mình.
Nguyễn Tâm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.