Nhiều độc giả cho rằng phương án tốt nhất để giải quyết bế tắc tài chính giữa mùa dịch khi cơ sở kinh doanh không có nguồn thu là nên giải thể:
Sai lầm của vợ chồng bạn cũng như của rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp nằm ở chỗ mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm, chưa có vốn đã muốn làm thật hoành tráng, bài bản. Quá lạc quan không có kế hoạch dự phòng rủi ro. Kinh doanh vay ngân hàng đã tương đối mạo hiểm rồi, còn đi vay nóng bên ngoài nữa thì thua.
Giờ bạn nên xác định khó khăn còn dài, giải quyết dứt điểm vấn đề càng sớm càng tốt chứ đừng hi vọng mọi thứ tự nhiên tốt lên. Trước mắt có hai hướng có thể giải quyết:
1. Bạn tìm một ai có tiền, quan tâm đến ngành giáo dục và mời họ góp vốn và tham gia quản lý.
2. Bạn tìm người bán toàn bộ cơ sở (bao gồm cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh) lại cho họ. Trong quá trình xử lý bạn thông báo thẳng thắn đến những chỗ bạn vay nóng tình hình tài chính thật sự của bạn và đàm phán với họ để chốt số nợ, xin họ miễn lãi. Đừng cố giật chỗ nọ đập chỗ kia.
Faust
Tôi từng mất rất nhiều tiền trong đầu tư cho kinh doanh, số tiền rất lớn đối với tôi vì nó là tất cả tài sản mà tôi có. Tôi khuyên như thế này:
Hai năm là khoảng thời gian dài để chứng minh cho một mô hình kinh doanh (chỉ cần 6 tháng là đủ), nếu vẫn chật vật không có lời hoặc lời ít (khoảng dưới 10%) thì nên bỏ. Kinh doanh không được tức mô hình có nhiều lổ hổng.
Thứ nhì, nếu điều một đúng thì rất rất may mắn cho anh vì không vay được tiền. Một mô hình kinh doanh tệ hại có đốt bao nhiêu tiền thì nó vẫn tệ, hãy biết dừng cuộc chơi đúng lúc để cắt lỗ. Càng đốt tiền vào cái hố đen vũ trụ thì cuộc đời càng đi xuống với đống nợ càng lúc càng phình to.
Tôi đã chứng kiến bao nhiêu người (theo tôi) tài giỏi rốt cuộc phải ngậm ngùi nhận mình là người bất tài sau khi tay trắng, tán gia bại sản và lún sâu vào cái vòng xoáy vay rồi đốt tiền vào kinh doanh.
Toàn
Tác giả đã sai lầm khi dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều khi làm ăn, mà lại vay cả lãi ngoài nữa, một việc đại kỵ khi kinh doanh. Vợ chồng bạn có tư tưởng muốn làm giàu nhanh, nhưng tôi khuyên các bạn làm giàu thì cũng phải từ từ, xây từng viên gạch, móng chắc thì nhà mới vững.
Lời khuyên của tôi đối với bạn là: Xem phương án kinh doanh trường mầm non tư thục liệu có hiệu quả không, nếu không thì bạn nên chờ xong dịch nhượng lại đi, liệt kê các khoản nợ, trả hết nợ lãi ngoài, các khoản nợ khác cơ cấu lại, chỗ nào chuyển được nợ dài hạn càng tốt (xin khất nợ, giãn nợ).
Sau đó tìm ngành nghề kinh doanh phù hợp với vốn, chuyên môn của mình, hạn chế bỏ nhiều tài sản khấu hao, tích cực làm việc hơn 100% công suất để tăng thu nhập, tích lũy và đầu tư, tham gia các khóa học đầu tư về bất động sản, chứng khoán và tham gia đầu tư vào các ngành này....thì mới cải thiện được tính hình kinh tế của gia đình bạn.
Chicharito80
Quan trọng nhất là phải có thu từ hoạt động kinh doanh đã. Với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường như thế này thì quả thật là rất khó khăn không chỉ với bạn mà toàn xã hội nhất là các doanh nghiệp.
Bạn mở mầm non tư thục được hai năm, trong đó 6 tháng đầu làm rất tốt, công việc dần không thuận lợi thì mình phải xem lại chất lượng dịch vụ của mình. Giai đoạn này đang cách ly này sẽ không có việc, bạn hãy có ý kiến với chủ cơ sở cho thuê giảm hoặc miễn tiền thuê cơ sở từ 2-3 tháng.
Sau hết dịch sẽ làm lại và cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ, có nguồn thu kha khá thì mới nghĩ đến cách quản lý kinh tế. Bây giờ là khó khăn toàn xã hội, cố gắng giữ an toàn cho gia đình đã. Vợ chồng bạn dám nghĩ dám làm, tôi tin và chúc bạn thành công.
Roger Phạm
Dịch bệnh này chính là khủng hoảng không có trong sách vở cho nên những doanh nghiệp nhỏ ít vốn hay sống bằng vốn vay sẽ bị đào thải (cơ sở mầm non của bạn là một trong số đó). Do khủng hoảng lan rộng ở rất nhiều ngành và nhiều lĩnh vực có quan hệ đan xen lẫn nhau nên nói chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng trong thời gian này là rất khó.
Giải pháp của bạn chỉ là giải thể càng sớm càng tốt (để càng lâu thì tiền nuôi nó càng nhiều). Cầm cố (hay bán) tài sản để trả nợ nhằm cắt lỗ (vừa tạo uy tín để lần sau vay được dễ dàng). Còn nếu bạn có thể gồng gánh được vài 3 tháng nữa thì để lại vì lĩnh vực bạn làm cũng là nhu cầu cao của xã hội.
Hồng Phúc Quan
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.