Trong cuộc đời học sinh của mình, tôi đã có biết bao kỷ niệm quý báu, dù là vui hay buồn. Tôi luôn khắc ghi chúng như những bài học tình người quý giá, làm hành trang đối nhân xử thế khi bước vào đời.
Lớp một đối với học sinh nào cũng đầy háo hức và nhiều kỷ niệm. Lớp chúng tôi cũng vậy. Tôi còn nhớ ngày liên hoan cuối năm thật rạng rỡ, bất ngờ, nó cho chúng tôi một cảm giác được trân trọng, cảm giác mình đã lớn, đã hoàn thành xong một bước khởi đầu của thời kỳ học sinh. Bàn ghế đã được cô sắp xếp thành vòng tròn, quây quần ấm cúng. Trái mận đỏ ối chính là món quà riêng của cô giáo dành tặng từng học sinh, là món quà quý giá nhất so với nhiều phần thưởng vật chất mà chúng tôi đã được nhận sau này.
Lớp hai, tôi chuyển trường. Mới vào mấy buổi học lạ lẫm ở ngôi trường xa lạ, tôi và vài người bạn bị bắt đứng bên hông tường của lớp. Tôi cũng không biết vì sao mình bị vậy, nhưng chắc là phải có lỗi, hay có thể là nói chuyện trong giờ học. Rồi cô gọi từng đứa lên để đánh mạnh vào bàn tay. Một hay hai cái gì đó, tôi cũng không buồn nhớ, nhưng màu gỗ của cái thước vuông ấy vẫn in hằn trong tâm trí tôi.
Đó là lần duy nhất tôi bị đánh. Dù đã cảm nhận được nhiều tình thương của cô dành cho mình đến suốt năm học lớp ba, nhưng tôi vẫn không thể thân thiết với cô. Sau này dù không ghét nhưng tôi cũng không quay lại thắm viếng cô lần nào.
Lớp sáu, tôi được chủ nhiệm bởi một người thầy dạy Toán tài hoa nhưng vô vị. Vào lớp sáu, bắt đầu lớn, hứng khởi được học từng tiết một với nhiều thầy, cô, thế nhưng, tôi hụt hẫng ngày buổi đầu. Thầy chủ nhiệm rất thư sinh, mang kính trắng, chạy xe đạp, nghe nói là người từ thành phố chuyển về. Thầy có mái tóc dài chấm vai - điều đó khá sốc đối với chúng tôi lúc bấy giờ.
Buổi học đầu tiên im phăng phắc hơn 15 phút. Thầy cầm hai cục phấn bằng hai tay, cùng viết trên bảng những dòng, chữ số đều tắp, đẹp còn hơn chữ in hoa trong sách. Thầy giảng những lời cao siêu, khó hiểu gì đó. Lớp chúng tôi dần dần nhao nhao, sa sút và chia rẽ. Thầy cũng buồn.
>> Trẻ con như chỗ trút giận của người lớn
Có đứa cháu gọi thầy bằng cậu, hằn học vì thầy không chịu ưu tiên cháu, lên kế hoạch sẽ nấp sau ụ đất để ném thầy. Nhưng xa vậy dễ gì ném tới. Thật là lạ, với tôi, chúng không phải là học sinh hoàn toàn hư hỏng. Chắc vì thầy "lập dị" nên khó gần, khó hiểu. Tôi cũng đã không mách lại.
Lớp bảy, tôi được nhận 10 đồng từ tiền riêng của cô giáo phụ trách khi đi cắm trại dài ngày. Kỷ niệm đó đáng quý như là lòng tốt đầu tiên mà tôi đã được nhận từ xã hội. Lên lớp tám được gần một tháng, gia đình muốn tôi chuyển lên trường huyện. Chúng tôi đã có với nhau một năm lớp bảy tuyệt vời với cô giáo chủ nhiệm còn trên cả tuyệt vời. Cô như người mẹ, cực kỳ dịu dàng.
Buổi chia tay những tưởng âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy bất ngờ và lưu luyến, khiến tôi nhớ mãi không quên. Cô giáo tổ chức, cô chúc, cô khóc, nhắn nhủ, rồi lại khóc. Các bạn cũng khóc. Và tôi cũng khóc theo. Nước mắt cứ thế tuôn rơi mà không cầm được. Chúng tôi không ai muốn chia tay, nhưng hồ sơ đã chuyển rồi nên tôi bắt buộc phải đi.
Tôi viết lại những dòng hồi ức này để những ai từng xem nghề giáo là nghề bạc bẽo một lần nhìn lại. Trẻ em, học sinh như những tờ giấy trắng. Dạy chúng những gì, cho đi những gì, cư xử với chúng thế nào đều rất quan trọng với nhân cách trẻ sau này. Tôi mong tất cả nhưng người thầy, cô giáo đều sẽ là những người đưa đò tận tâm như vậy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.