Tôi vừa đọc một bài viết trên mục Tâm sự, tác giả xin lời khuyên vì có một người em trai học lớp 10 có thái độ bất cần, nổi loạn khiến cả gia đình bế tắc. Và điều làm tôi sốc những lời khuyên gia đình nên tách người em đó ra càng xa càng tốt để tránh lây vạ cho mình, còn cậu em đó thì coi như bỏ đi. Thái độ của xã hội với trẻ hư khiến tôi thực sự thấy đáng lo.
Đúng là đứa trẻ đó hư, nhưng cái hư ấy là hệ quả tất yếu của việc gia đình nuông chiều và của tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi đứa con trai duy nhất trong nhà như bảo bối, khiến nó quen thói muốn gì được nấy. Vì vậy, bây giờ gia đình đang phải đối mặt với hậu quả. Nhưng chừng nào một đứa trẻ còn chưa đủ tuổi thành niên thì nó vẫn đang thuộc về trách nhiệm nuôi dạy của gia đình, không thể vứt bỏ con em của mình dù đứa trẻ có hư đến đâu.
Nhân vật người em được nói đến trong câu chuyện này chỉ là một đứa trẻ còn non nớt, chưa có nhận thức đầy đủ, chưa được dạy dỗ, bảo ban đúng cách, có cái nhìn sai lệch. Thế nên, việc cần làm là người lớn phải uốn nắn lại và cho cơ hội để tìm lại con đường đúng đắn vào đời, để có được một tương lai như bao người khác. Đứa bé ấy không phải là một khối ung nhọt xấu xa từ trong trứng nước mà người ta có thể cứ thế cắt bỏ là xong.
Thật buồn là trong xã hội ngày nay, những suy nghĩ tẩy chay, loại bỏ cái xấu đến mức cực đoan như vậy xuất hiện này càng nhiều. Ngay cả tội phạm còn được pháp luật khoan hồng, cho cải tạo để hoàn lương, cho cơ hội làm lại cuộc đời. Vậy thì tại sao một đứa trẻ vị thành niên đang lầm đường, đang trong giai đoạn yếu đuối, hoảng sợ và hoang mang nhất vì căn bệnh thế kỷ lại nhận được thái độ hà khắc đến mức hằn học và thù địch như thế?
>> Giáo viên ngày nay mất uy với học trò
Việc này khiến tôi nghĩ đến sự việc ồn ào thời gian gần đây, về một nhóm học sinh nhốt và hành hung cô giáo của mình. Cùng thời điểm đó, có thông tin về một thầy giáo đánh học sinh đến mức chấn thương. Những đứa trẻ trong clip thứ nhất và thầy giáo trong sự việc thứ hai rõ ràng đều sai, đều vi phạm về đạo đức và quy định giáo dục.
Nhưng trong khi cả xã hội đổ xô vào "ném đá" lũ trẻ bằng thái độ không khoan nhượng thì có vẻ thầy giáo lại được bênh vực bằng những lý lẽ như "trò không hư thì sao bị đánh", "cái que mảnh thế đánh chỉ đau chứ chấn thương gì nổi"... như thể chỉ cần không để lại thương tật vĩnh viễn thì việc làm đau một đứa trẻ là chuyện rất đương nhiên vậy.
Chẳng lẽ trẻ em phải bị đánh, phải bị làm đau, phải bị gây tổn thương về thể chất lẫn tinh thần thì mới nên người được? Và khi đứa trẻ mắc lỗi, thay vì nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân của vấn đề và giúp chúng sửa chữa thì một số người lớn lại coi trẻ hư như đồ bỏ, đối xử bằng thái độ không khoan nhượng nhất? Ấy thế mà người ta vẫn đang tìm mọi cách khuyến khích đẻ sớm, đẻ nhiều để "tăng lực lượng lao động" cho tương lai, thật là một mâu thuẫn khá nực cười.
CN
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.