Muốn được trẻ tôn trọng thì việc đầu tiên là người lớn phải tôn trọng trẻ trước. Cha mẹ đi làm về mệt mỏi là lôi con cái ra mắng nhiếc, thầy cô mệt mỏi chuyện cá nhân là đem học sinh ra trút giận, những điều đó có đúng không?
Như gia đình tôi, bố mẹ có lúc phải nhịn con cái và ngược lại các con cũng có khi phải nhịn bố mẹ. Bố mẹ đi làm mệt, thì con cái đi học cũng mệt chẳng kém. Tại sao chúng ta không hỏi thăm, quan tâm nhau mà lại đi mắng nhiếc nhau để xả những cái bực dọc mà rõ ràng những người đối diện ta đâu gây ra điều đó. Hành động đó liệu có công bằng không? Đó là điều mà người lớn nên làm để đối xử với những đứa trẻ do mình dứt ruột đẻ ra sao? Tôi không thể hiểu nổi.
Tôi vẫn hay nói với những người xung quanh mình rằng, nếu thấy mệt mỏi, thấy gánh nặng quá thì đừng vội sinh con. Còn một khi đã quyết định sinh con rồi thì hãy chăm sóc những đứa trẻ cho thật tốt.
Bây giờ, nếu người thầy cứ mang nguồn năng lượng tiêu cực của bản thân lên lớp học để truyền sang cho học trò, bố mẹ cũng mang năng lượng tiêu cực về nhà cho con cái, thì sao có thể mong con trẻ ngoan ngoãn, tích cực được. Chúng không phải là cái thùng rác để người lớn xả hết những thứ bức bối bên ngoài.
Muốn con cái ngoan ngoãn thì cha mẹ phải bỏ công bỏ sức ra dưỡng dục, đừng đổ thừa cho ai cả, hãy làm từ chính bản thân trước đã. Cái gì cũng có hai mặt của vấn đề. Khó nhất vẫn luôn là trồng người, là nuôi dạy con cái. Nếu ở trong gia đình mà đứa trẻ còn không được sống với chính cảm xúc của bản thân thì cuộc đời chúng đâu còn ý nghĩa gì nữa.
Tôi, với vai trò là một người làm cha, làm mẹ, sẵn sàng là nơi để cho con cái trút hết những muộn phiền. Nhưng khi trút xong rồi thì cả hai cùng ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn với nhau. Ai sai thì phải xin lỗi và rút kinh nghiệm.
>> 'Hằn học với những đứa trẻ hư'
Còn với giáo viên, vì sao người ta gọi là "thầy" chứ không phải là "thợ". Phải có lý do thì xã hội mới tôn vinh ngày nhà giáo. Đó là bởi xã hội vốn đã một phần trách nhiệm lớn lao lên vai người thầy, cô giáo. Thế nên, bản thân giáo viên cũng phải chịu trách nhiệm dạy dỗ trẻ nên người chứ không thể đổ hết cho gia đình. Các thầy cô có nghiệp vụ sư phạm nên sẽ biết cách dạy trẻ khoa học hơn cha mẹ.
Giáo viên vẫn là người được đào tạo chuyên môn, là những người dạy trẻ chuyên nghiệp, nên luôn phải đảm bảo kỹ năng sư phạm, giáo dục con trẻ chuẩn mực. Còn cha mẹ, gia đình, có thể gần gũi trẻ hơn, hiểu tính con mình hơn, nên sẽ có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ thầy cô trong việc dạy bảo con cái.
Thế nhưng ở ta bây giờ, không thể phủ nhận sự phối hợp giữa phụ huynh (gia đình) và nhà trường dường như đang bị đứt gãy. Thay vì bàn về phương pháp phối hợp giáo dục con trẻ thì trong các buổi họp phụ huynh đầu năm học, người ta cứ nói về khoản thu nọ khoản phí kia, thu tiền này, thu phí nọ. Chính bản thân người lớn đang đi sai hướng trong việc giáo dục trẻ, vậy thì sao có thể đòi hỏi những đứa trẻ kia phải phát triển đúng hướng được?
Trước khi đổ lỗi hay trách phạt những học sinh hư, hãy tự hỏi cha mẹ và thầy cô của chúng đã làm gì, đã làm tròn trách nhiệm của mình với trẻ hay chưa? Tôi mong rằng, chúng ta sẽ biến gia đình, nhà trường thành tổ ấm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.