"Nếu bạn lắng nghe bài phát biểu của phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc hôm nay sau phiên bỏ phiếu, đại sứ Trung Quốc đã nói thẳng rằng: 'Chúng tôi không muốn chuyện đi đến mức này'. Tôi nghĩ rằng chính Trung Quốc cũng bất ngờ", Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng của RAND về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bình luận với VnExpress.
RAND là tổ chức tư vấn có trụ sở tại Santa Monica, California, Mỹ, được thành lập từ năm 1948 và được Global go to Think Tank Index năm 2019 xếp thứ 12 trong số các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới.
Phái đoàn Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 25/2 bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết cáo buộc Nga "tấn công Ukraine". Dự thảo do Mỹ và Albania thực hiện, đề nghị sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ nhất phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva lập tức rút quân.
11 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu đồng ý với dự thảo nghị quyết. Ba nước bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Ấn Độ và UAE, trong khi Nga dùng quyền phủ quyết với tư cách thành viên thường trực chặn thông qua dự thảo.
Theo chuyên gia Mỹ, Trung Quốc bỏ phiếu trắng vì không muốn những hành động của Nga ở Ukraine làm ảnh hưởng đến hình ảnh nước này.
Hai tuần trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine với lý do bảo vệ hai vùng ly khai ở Donbass, lãnh đạo Nga đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, bên lề Olympic Mùa đông 2022. Hai lãnh đạo tuyên bố quan hệ song phương "không có giới hạn" và gắn bó chặt chẽ ở mức độ chưa từng có.
Grossman cho rằng giờ đây khi Trung Quốc nhận ra Nga hoàn toàn nghiêm túc về phương án quân sự ở Ukraine, cuộc gặp thượng đỉnh ngày 8/2 trở thành sự kiện bất lợi. "Giới chức nước này lẫn giới quan sát sẽ có cảm tưởng Bắc Kinh đã ủng hộ Tổng thống Putin mở chiến dịch quân sự. Đó không phải hình ảnh mà Trung Quốc mong muốn", ông nhận định.
Chuyên gia Mỹ nhắc đến bài phóng sự ngày 25/2 trên tờ New York Times. Bài dẫn các nguồn tin nội bộ chính phủ Mỹ tiết lộ Washington đã chia sẻ thông tin tình báo với Bắc Kinh, nỗ lực thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc về nguy cơ chiến sự ở Ukraine và đề nghị họ dùng mối quan hệ với Nga để ngăn xung đột vũ trang bùng phát.
"Mỹ chia sẻ thông tin tình báo với Trung Quốc là chuyện hiếm thấy. Chúng tôi có nhiều bất đồng với Trung Quốc và dĩ nhiên không muốn chia sẻ bất kỳ điều gì họ có thể lợi dụng. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận thấy tình hình quá nguy cấp và phải bẻ cong những quy định của chính mình một chút", Grossman nhận định.
Chuyên gia Mỹ nhắc lại rằng Trương Quân, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, hôm nay đã khẳng định lập trường ủng hộ Nga lẫn Ukraine quay lại bàn đàm phán. Ông nhận định cách Trung Quốc đề cập ủng hộ Ukraine là điểm mang nhiều ẩn ý.
Tổng thống Nga ngày 24/2 khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tuyên bố mục tiêu của Moskva là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Ông lập luận rằng Nga "không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine". Sau hai ngày tiến hành chiến dịch, quân đội Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, nơi giao tranh đang diễn ra dữ dội.
Mỹ cùng các đồng minh, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và cả Tổng thống Putin. Moskva khẳng định loạt lệnh trừng phạt thể hiện sự bất lực của phương Tây. Điện Kremlin cho biết đã đề nghị gặp các quan chức Ukraine tại thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán, nhưng Ukraine lại đề xuất tổ chức hội đàm ở Warsaw, Ba Lan, khiến tiến trình bị đình trệ.
Trong cuộc tranh luận tại Liên Hợp Quốc, đại diện nhiều nước tiếp tục lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine. Nga, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, có khả năng tiếp tục đối mặt một cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tương tự trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dù nghị quyết này không mang tính ràng buộc.
Theo Grossman, phiếu trắng từ phái đoàn Trung Quốc lần này khác với cách họ bỏ phiếu trắng vào năm 2014, khi Nga chặn dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an phản đối sáp nhập bán đảo Crimea và yêu cầu không công nhận kết quả trưng cầu dân ý địa phương này.
Ông cho rằng nếu như Tổng thống Putin chỉ tuyên bố độc lập cho Donetsk và Luganks, Trung Quốc có thể đã bỏ phiếu phủ quyết cho dự thảo phản đối điều này. Tuy nhiên, vì những diễn biến ở Ukraine đi ngược lại chính những tôn chỉ đối ngoại của Trung Quốc về chủ quyền quốc gia, Bắc Kinh không thể ra mặt ủng hộ.
"Bạn có thể nghĩ quyết định hôm nay chỉ là phần hai của lá phiếu cũ. Tôi không chắc đó là nhận định chính xác. Thực tế là Nga và Trung Quốc hiện nay gắn bó hơn năm 2014. Tôi nghĩ trong bối cảnh thông thường thì Trung Quốc đã bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, công khai ủng hộ Nga và thể hiện họ đứng chung phía với Nga", chuyên gia Mỹ nói.
Thanh Danh