Mỹ và Albania hôm 25/2 soạn dự thảo nghị quyết, đề nghị sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ nhất phản đối cuộc tấn công của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva lập tức rút quân.
11 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu đồng ý với dự thảo nghị quyết, ba nước bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Ấn Độ và UAE, trong khi Nga lập tức chặn nghị quyết với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Trong cuộc tranh luận tại Liên Hợp Quốc, đại diện nhiều nước đã lên tiếng về quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine.
"Để tôi nói rõ điều này. Nước Nga có thể chặn nghị quyết, nhưng không thể phủ quyết tiếng nói, nguyên tắc của chúng tôi hay người dân Ukraine", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói.
Đại sứ Mỹ cho biết thêm không thể làm ngơ trước hành động của Nga ở Ukraine và nghĩa vụ của các nước là lên tiếng phản đối. Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward cũng cho rằng "Nga đang bị cô lập" và chỉ trích cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.
Nga, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, có khả năng tiếp tục đối mặt một cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tương tự trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dù nghị quyết này không mang tính ràng buộc.
Tổng thống Nga ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Ông nói Nga "không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine".
Sau hai ngày tiến hành chiến dịch, quân đội Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, nơi giao tranh đang diễn ra dữ dội. Mỹ cùng các đồng minh, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và cả Tổng thống Putin. Moskva khẳng định loạt lệnh trừng phạt thể hiện sự bất lực của phương Tây.
Điện Kremlin cho biết đã đề nghị gặp các quan chức Ukraine tại thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán, nhưng Ukraine lại đề xuất tổ chức hội đàm ở Warsaw, Ba Lan, khiến tiến trình bị đình trệ.
Ngọc Ánh (Theo AFP)