Cộng đồng quốc tế đang hồi hộp dõi theo từng chuyển biến ở phía đông Ukraine. Quân đội Nga áp sát khu vực suốt nhiều tháng qua và hôm nay Putin đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở hai khu vực do phe ly khai ở Ukraine kiểm soát, nằm trong hai tỉnh Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass.
Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại tầm nhìn của Tổng thống Nga Vladimir Putin không dừng ở nước láng giềng và Ukraine chỉ là mảnh ghép trong bản kế hoạch lớn hơn: đàm phán lại những thỏa hiệp từng đánh dấu hồi kết của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh và thiết kế lại bản đồ an ninh châu Âu.
Trong bài phát biểu ngày 21/2, khi tuyên bố công nhận độc lập cho hai chính quyền tự xưng ở đông Ukraine gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, Tổng thống Putin đã liệt kê một loạt khía cạnh mà ông cho rằng Mỹ cùng châu Âu đối xử bất công với Nga trong suốt ba thập kỷ qua. "Nước Nga có mọi quyền đáp trả nhằm đảm bảo an ninh của chính mình", ông tuyên bố.
Bài phát biểu hôm đó cho thấy lãnh đạo Nga dường như muốn quay ngược thời gian, thiết lập lại một cục diện an ninh đã là quá khứ. Ông không chỉ muốn liên minh quân sự phương Tây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngừng mở rộng thành viên về phía đông. Tổng thống Nga còn yêu cầu liên minh này giảm quy mô hiện diện quân sự, thu quân trở về những ranh giới trong thập niên 1990, trước khi quá trình đông tiến bắt đầu.
Ý tưởng được ông nêu ở bài phát biểu thực chất đang yêu cầu đảo ngược nhiều thay đổi địa chính trị và an ninh ở châu Âu trong suốt ba thập kỷ qua. Nói cách khác, ông muốn điều chỉnh lại những hệ quả an ninh sau cột mốc 1991, thời điểm xảy ra sự kiện mà chính ông từng gọi là "bi kịch địa chính trị to lớn nhất" thế kỷ 20: Sự tan rã của Liên Xô.
Theo Putin, phương Tây đã không giữ đúng những lời hứa khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và đe dọa không gian an ninh của nước Nga.
Theo giới chức Nga, trong giai đoạn thảo luận về tiến trình thống nhất nước Đức vào năm 1990, lãnh đạo Mỹ và phương Tây đã cam kết với Liên Xô rằng NATO nhất quyết không mở rộng về phía đông. Phương Tây đồng thời hứa hẹn vào năm 1997 rằng quân đồn trú sẽ không bao giờ vượt quá ranh giới phía đông của liên minh tính từ mốc thời gian này, thông qua Thỏa thuận Nền tảng NATO - Nga.
Rodric Braithwaite, cựu đại sứ Anh tại Moskva khi Liên Xô tan rã, đồng ý rằng phương Tây đang trả giá cho "ngoại giao kiêu ngạo và yếu kém trong thập niên 1990". Tuy nhiên, ông cho rằng Tổng thống Nga đã dựa vào quá khứ để "đe dọa châu Âu rằng Moskva sẵn sàng lựa chọn giải pháp quân sự". Braithwaite cảnh báo "hàng triệu người Nga cũng suy nghĩ và cảm nhận" sự thất vọng tương tự Tổng thống Putin về sự kiện Liên Xô tan rã, quá trình mở rộng của NATO cũng như những liên hệ lịch sử với Ukraine.
Theo Mary Sarotte, giáo sư sử học tại Đại học Johns Hopkins của Mỹ, giai đoạn biến động của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã là một phần trải nghiệm cá nhân của Tổng thống Putin, trong đó có những bẽ bàng khi nền kinh tế đất nước rơi tự do và phải dựa vào hỗ trợ kinh tế từ phương Tây, còn NATO ung dung kết nạp những quốc gia từng dưới chiếc ô an ninh của Liên Xô.
Sarotte cho rằng Putin đang muốn tái lập vùng đệm an ninh giữa Nga và phương Tây, như chiến lược trước đây Liên Xô từng theo đuổi, và đưa Moscow trở lại bàn cờ dành cho những siêu cường. Cách Putin tiếp cận cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy ông nhắm trực tiếp vào Mỹ, theo đuổi tư tưởng cạnh tranh cường quốc và không bận tâm đến phản ứng từ những thành viên còn lại trong NATO.
Trong bài tham luận vào tháng 7 năm ngoái, lãnh đạo Nga công bố lập luận rằng người Nga, Ukraine và Belarus đều chung một dân tộc, đều là hậu duệ Nga Cổ, nhà nước lớn nhất châu Âu vào thế kỷ thứ 9 và Kiev cổ, nay là thủ đô Ukraine, chính là "thành phố mẹ" của mọi thành phố Nga.
"Ukraine hiện đại được tạo nên toàn bộ và toàn diện bởi nước Nga", ông khẳng định trong bài phát biểu ngày 21/2, đồng thời cho rằng Ukraine là hệ quả từ những sai sót trong tính toán khi Liên Xô vừa ra đời.
Cựu quan chức Mỹ Fiona Hill, từng là thành viên chuyên trách về các vấn đề châu Âu và Nga cho Hội đồng An ninh Quốc gia trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, nhận định Nga gửi thông điệp rằng họ muốn nắm quyền lực điều chỉnh chính sách.
"Putin không chỉ nhìn vào 30 năm lịch sử xử ép nước Nga, mà còn nhìn vào những tổn thương đất nước phải gánh chịu trong nhiều thế kỷ, từ nước Nga hiện đại, thời kỳ Liên Xô đến giai đoạn Sa hoàng", Hill đánh giá.
Theo nhiều quan chức phương Tây đương nhiệm lẫn về hưu, Mỹ cùng các đồng minh rõ ràng đã ứng xử rất kém trong quan hệ với Nga vào thập niên 1990. Họ thừa nhận phương Tây đã ăn mừng thái quá sau Chiến tranh Lạnh.
Một số chính khách phương Tây cũng tán thành ý tưởng cải cách thỏa thuận an ninh ở châu Âu, một phần vì nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký kết từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh đã trở nên lỗi thời hoặc mất hiệu lực do các bên nghi ngờ lẫn nhau.
Giới chức phương Tây đồng tình Moskva là bên không thể thiếu trong những trao đổi an ninh, nhưng họ không chấp nhận cách Tổng thống Putin đòi hỏi "đập đi xây lại" cấu trúc khu vực đã định hình và quay ngược thời gian.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh nguyên tắc duy nhất giúp đảm bảo an ninh ở châu Âu "là chấp nhận giữ nguyên những đường biên giới hiện nay".
Giới chuyên gia nhận định những yêu cầu đảm bảo an ninh mà Moskva gửi cho Washington gần như là những đòi hỏi không tưởng. Ông muốn Mỹ và các lực lượng kết hợp thuộc NATO kết thúc hiện diện tại những thành viên gia nhập liên minh sau 1997, trong đó hầu hết là những nước từng thuộc ảnh hưởng địa chính trị của Moskva. Nga còn yêu cầu Mỹ rút hết vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu.
Tổng thống Putin muốn mọi cam kết phải được xây dựng thành hiệp ước, dù ông biết chắc rằng không tổng thống nào của Mỹ dám ký kết và Thượng viện Mỹ đương nhiên sẽ từ chối thông qua một thỏa thuận như vậy. Ngoài ra, những thành viên NATO gia nhập trong hai đợt mở rộng liên minh gần nhất nhiều khả năng phản đối hiệp ước an ninh mới.
Theo Braithwaite, Tổng thống Putin đã nhiều lần chứng minh ông là bậc thầy đàm phán và xử trí khủng hoảng bên bờ vực chiến tranh, với cuộc chiến ở Georgia vào năm 2008 hay sáp nhật Crimea của Ukraine vào năm 2014. "Ông ấy luôn nhận thức hoàn hảo cách dừng đúng lúc và giành được những điều ông muốn cả hai lần trước", cựu đại sứ Anh nhận định.
Tuy nhiên, những yêu cầu dường như không tưởng lần này từ Moskva cho thấy Tổng thống Putin dường như đang đánh cược tất tay. Phương Tây không có dấu hiệu nhượng bộ và chấp nhận ký một hiệp ước an ninh thế hệ mới cùng Nga. Trong khi đó, kịch bản quân đội Nga tiến vào Ukraine sẽ dẫn đến nhiều hậu quả dài hạn, từ sa lầy quân sự đến trừng phạt kinh tế, tăng áp lực lên Putin trong cuộc bầu cử năm 2024.
Xem thêm:
-Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
-Phương Tây có thể trả đũa Nga thế nào?
-5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
Trung Nhân (Theo Wall Street Journal)