Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ ba, 26/6/2018, 14:00 (GMT+7)

Vải thiều Lục Ngạn có tem nhãn thương hiệu

Loại quả đặc sản này được trang bị QR code truy cứu thông tin và tem truy xuất nguồn gốc.  

Vải thiều một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện Lục Ngạn. Những năm gần đây, diện tích trồng vải nhanh chóng mở rộng nhằm phục vụ thị trường trong và ngoài nước, nhiều gia đình cũng thoát nghèo nhờ loại cây ăn quả này. 

Hiện, người dân Lục Ngạn áp dụng chương trình trồng vải theo tiêu chuẩn Viet GAP và Global GAP. VietGAP là Việt Nam thực hành nông nghiệp tốt, Global GAP là tiêu chuẩn toàn cầu do hơn 80 quốc gia đề ra tiêu chuẩn chung sản xuất trong ngành nông nghiệp gồm trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản, được đưa vào triển khai rộng.  

Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân (thôn Kếp, xã Hồng Giang, Lục Ngạn), cho biết, hiện, vải của hợp tác xã đã có tem nhãn thương hiệu, có QR code truy cứu thông tin và tem truy xuất nguồn gốc. 

polyad

Vải thiều Global Gap của HTX Hồng Xuân, Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Bizmedia

Nhiều siêu thị đã đến hợp tác xã để đặt hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cán bộ nông nghiệp cũng đến địa phương thăm quan. Thôn Kếp là một trong những vùng lõi trồng vải thiều của huyện, bà con nơi đây có ý thức về giữ vệ sinh vườn, tuân thủ chặt các tiêu chuẩn GAP.  

Năm 2018, vùng vải Lục Ngạn ghi nhận 218 ha vải Global GAP, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg loại nguyên cuống, loại cắt cuống có giá 40.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá vải thường. 

Diện tích vải VietGAP cũng đạt trên 11.000 ha trên tổng số 28.000 ha của cả tỉnh, uớc tính có khoảng 150.000 – 180.000 tấn vải xuất đi Trung Quốc. Những năm gần đây, vải Lục Ngạn cũng xuất sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, châu Âu... đem lại niềm tin cho người trồng. 

polyad

Thu hoạch vải thiều. Ảnh: Bizmedia

Vải thiều Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, điều đó tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi người trồng, người quản lý cần phải nghiêm ngặt, chuyên nghiệp hơn.  

Ông Dương Văn Sinh (thôn Kếp, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn), người trồng vải thiều theo tiêu chuẩn Global cho biết, năm 2017, vải của gia đình ông được gửi đi chiếu xạ tại Hà Nội để xuất khẩu đi nước ngoài, giá bán 50.000 đồng/kg. Gia đình ông là một trong 9 thành viên hợp tác xã Hồng Xuân tham gia trồng vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP từ năm 2015. 

Ông cho hay, chăm sóc vải phải trông chờ nhiều vào thời tiết, trồng theo tiêu chuẩn GAP thì còn khó khăn hơn nhiều. Người trồng phải tuân thủ theo người hướng dẫn, làm đúng các kỹ thuật, cách ly và sử dụng thuốc đủ tiêu chuẩn thì mới thu được quả đẹp. 

Từ khi còn non, quả vải được phun thuốc trừ sâu để loại sâu cuống,10-15 ngày phun thuốc bón lá, nhưng khi thu hoạch thì phải cách ly ít nhất 15 ngày. Thời điểm thu hoạch vải thường tập trung trong 2 tháng, công tác vệ sinh vườn, thu hoạch, kết hợp tỉa cành được thực hiện liên tục. 

polyad

Các sản phẩm chế biến từ quả vải. Ảnh: bacgiang.gov

Năm nay, tại tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, ngoài quả vải tươi đóng trong các túi, hộp khác nhau, người mua còn thích thú vì nhiều món ngon phong phú làm từ trái vải: vải sấy, chè vải rau câu, chè vải hạt sen, thạch rau câu vị vải, kem vải, vải chiêm xù, bánh rán mặn nhân vải, nước trái vải…

Ông Dương Văn Sinh cho biết thêm, bao năm nay, người dân địa phương có thói quen sử dụng vải thiều làm một trong số các món "giết sâu bọ" trong dịpTết Đoan ngọ. Người nội trợ sẽ chọn những quả vải cân đối, vỏ tươi đều, không tỳ vết nám, mắt mở căng, vỏ mỏng. Cũng theo ông, vải thiều chính vụ bao giờ dễ dàng phân biệt với các loại vải trứng, vải u hay loại vải tu hú nhờ cả sắc, hương, vị.  

Thư Kỳ

Chia sẻ bài viết qua email