Thứ bảy, 4/5/2024
Thứ hai, 18/6/2018, 16:00 (GMT+7)

Nông dân Lâm Hà trồng cam canh thu 20 tấn quả mỗi năm

Trên diện tích cà phê kém hiệu quả, nông dân Lâm Hà chuyển đổi sang cây ăn trái, bao gồm cả cam đường canh để phát triển kinh tế.

Hiểu rõ những vất vả của cây cà phê với nông dân Lâm Hà, anh Trần Minh Chiến là một trong những người đầu tiên trồng cam đường canh tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà. 

Năm 2010, người nông dân gốc Hưng Yên mua 1.500 cây giống về thử trồng xen với 5 ha cà phê. Vừa trồng, vừa học tập kinh nghiệm từ nhiều mô hình trồng cây có múi trong, ngoài tỉnh. Sau ba năm, cam bắt đầu cho bói. Dần dần, thấy hiệu quả, anh phá bỏ cà phê, tập trung vào cây cam. Nhờ trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt, năng suất đạt đến 30 kg một cây. Mỗi ha thu 20-25 tấn quả mỗi năm. Sản phẩm đẹp, chất lượng, mang lại doanh thu ổn định.

Làm giàu từ trồng cây ăn trái tại Lâm Hà
 
 

Từ thành công của anh Chiến, nhiều hộ học tập trồng cam. Dần dà, diện tích vùng cam đường canh tại khu vực xã Đan Phượng và các xã lân cận nâng lên 20 ha, tạo thủ phủ cam đường canh trên đất cà phê.

Tuy nhiên, sau một thời gian, anh Chiến nhận ra nếu cứ để diện tích cây cam mở rộng tự do sẽ dễ dẫn đến cảnh nông sản bị ép giá. Đồng thời, chất lượng và uy tín chung của cam đường canh Lâm Hà bị ảnh hưởng, chính bản thân nông dân là người chịu thiệt.

Năm 2015, anh tiên phong chuyển đổi vườn cam sang trồng theo quy trình VietGap, tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón. Bên cạnh đó, lão nông cũng sử dụng phương pháp bảo vệ thực vật sinh học, hệ thống tưới Isarel tới từng gốc cam trong vườn. Năm 2016, vườn cam được chứng nhận VietGap, cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng sạch với mức giá bán ổn định hơn.

Anh Chiến thuyết phục thêm các hộ cùng trồng cây ăn trái trên địa bàn liên kết với nhau thành hợp tác xã. Qua đó, các thành viên cùng sản xuất theo quy trình VietGap để hình thành thương hiệu chung.

Đầu tháng 11 năm 2017, hợp tác xã Trái cây Bốn mùa thành lập với 7 thành viên, diện tích là 50 ha. Ngoài cam đường canh, các hộ còn trồng các loại bơ, xoài, sầu riêng, bưởi. Trong đó, 36,7 ha diện tích của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGap. Các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ, sử dụng phân, thuốc đúng tiêu chuẩn, cách ly đủ ngày trước khi thu hoạch.

Tên gọi Trái cây Bốn mùa cũng là thể hiện hoạt động của hợp tác xã, có sản phẩm cung ứng quanh năm cho thị trường, anh Chiến cho biết.

polyad

Sản phẩm cam có gắn thương hiệu, tem nhãn của hợp tác xã. 

Từ năm 2018, toàn bộ trái cây của hợp tác xã Trái cây Bốn mùa bán ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người dùng được cung cấp đầy đủ đặc tính sản phẩm, nơi sản xuất, đến hộ sản xuất, ngày xuất bán… Hiện, hợp tác xã đang cung ứng cho nhiều cửa hàng trái cây sạch tại TP HCM, hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart.

Phương Mai

Chia sẻ bài viết qua email