Nghiên cứu tên gọi Com-COV, công bố ngày 28/6. Trong đó, 4 tuần sau khi tiêm liều vaccine AstraZeneca đầu tiên, các nhà khoa học cho tình nguyện viên tiêm vaccine Pfizer làm liều thứ hai. Họ phát hiện rằng dù theo thứ tự này hoặc ngược lại, chúng tạo nồng độ kháng thể chống nCoV cao hơn so với việc tiêm hai liều AstraZeneca.
Nghiên cứu có 830 tình nguyện viên tham gia. Người tiêm hai liều vaccine Pfizer vẫn có lượng kháng thể cao nhất. Các nhà khoa học đang thử kéo dài thời gian giữa hai liều AstraZeneca và Pfizer lên 12 tuần.
Dữ liệu mới củng cố quyết định trộn lẫn các loại vaccine của một số nước châu Âu. Đây là lựa chọn thay thế sau hàng loạt tranh cãi liên quan đến chứng đông máu, giảm tiểu cầu ở người tiêm vaccine AstraZeneca.
Matthew Snape, giáo sư Đại học Oxford, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết kết quả này có thể tạo thế linh hoạt cho chương trình triển khai vaccine. Song ông không khuyến nghị các nước thay đổi lịch trình tiêm chủng ngay, bởi chưa có đủ dữ liệu lâm sàng.
"Điều đáng mừng là việc trộn vaccine có tác động tích cực đến tế bào T và kháng thể. Nhưng nếu không có lý do chính đáng, tôi nghĩ các nước nên tiêm chủng theo lịch trình định sẵn", ông nói.
Tại Anh, giới chức đề nghị người trên 40 tuổi tiêm hai mũi vaccine cách nhau 8 tuần. Người từ 18 đến 40 tuổi tiêm cách 12 tuần.
"Với nguồn cung ổn định, Anh không cần thay đổi lịch trình tiêm vaccine ở thời điểm này", Phó giám đốc Y tế Jonathan Van-Tam cho biết. Theo ông, dữ liệu cuối cùng trong thử nghiệm Com-COV có thể ảnh hưởng đến các quyết định của nước này trong tương lai.
Hiện hơn 80% người trưởng thành ở Anh đã tiêm một liều vaccine ngừa Covid-19, 60% đã tiêm đủ hai liều. Nếu khả thi, chiến lược tiêm trộn hai loại vaccine sẽ giúp giải quyết các vấn đề hậu cần, thậm chí tạo miễn dịch tốt hơn.
Thục Linh (Theo Reuters)