Covid-19 bắt đầu với bệnh viện quá tải, túi đựng xác người nhiễm nCoV, khẩu trang và nỗi sợ bị cách ly. Khi ấy, mạng xã hội ngập tràn lời kêu cứu vì thiếu đồ bảo hộ, oxy y tế, không được xét nghiệm. Sau gần hai năm, công dân nhiều nước lần lượt chia sẻ hình ảnh tươi cười vén cao tay áo, sẵn sàng tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên.
Đăng nhập bất cứ nền tảng nào, người dùng dễ dàng bắt gặp những bức selfie (tự sướng) với vaccine hoặc chứng chỉ tiêm phòng.
"Chúng phổ biến ngay khi vaccine được phê duyệt", David Broniatowski, phó giáo sư kỹ thuật và khoa học ứng dụng tại Đại học George Washington, nói.
Jeanine D. Guidry, giáo sư trợ lý về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Virginia Commonwealth, nhận định: "Nó có thể trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của thời kỳ này".
Trào lưu chụp hình với vaccine Covid-19 lấy ý tưởng từ chính trị gia, người nổi tiếng. Tháng 2/2021, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran và Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis chia sẻ hình ảnh tiêm phòng Covid-19. Tháng 3, nhà thiết kế nổi tiếng Marc Jacobs đăng tải bức hình tương tự lên Instagram trong bộ cánh đặc trưng.
"Một diện mạo, một khoảnh khắc đáng kể lưu lại", tạp chí thời trang Vogue viết.
Giáo sư Guidry chỉ ra rằng đây vừa là trào lưu mới, vừa là hiện tượng rất cũ. Trước khi mạng xã hội ngập tràn các bức selfie với vaccine, hình ảnh tiêm chủng đã vô cùng phổ biến. Xa hơn, thậm chí có cả tranh điêu khắc.
Ngay từ đầu, vaccine là ý tưởng kỳ lạ. Tiêm virus, vi khuẩn cho một người khỏe mạnh để giúp họ tránh bệnh tật từng khó chấp nhận. Các cơ quan y tế công cộng nỗ lực hàng thập kỷ để thúc đẩy nhận thức của công chúng.
"Hình ảnh có sức tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều so với văn bản", Mark Dredze, phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Cuối thế kỷ 18, các bản chạm khắc về cha đẻ vaccine đậu mùa Edward Jenner, cũng là người tiên phong đưa vaccine đến nhân loại, vô cùng phổ biến. Sau này, một trong những bức ảnh tiêm chủng nổi tiếng nhất thuộc về Elvis Presley, chụp năm 1956. Ông hoàng nhạc rock, khi ấy mới 21 tuổi, là thần tượng của nhiều thiếu nữ, xắn tay áo tiêm vaccine bại liệt với nụ cười tươi.
Đến năm 1976, trước những cảnh báo về đợt dịch cúm lợn nghiêm trọng, Tổng thống Gerald Ford vui vẻ mặc vest, thắt cà vạt đi chủng ngừa. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama chia sẻ hình ảnh tiêm vaccine H1N1 tại Nhà Trắng. Dù ở bối cảnh nào, thông điệp chúng mang lại đều như nhau.
"Sử dụng hình ảnh của các nhà lãnh đạo đáng tin rất có lợi trong truyền thông về sức khỏe cộng đồng. Nó khiến mọi người nghĩ ‘Ồ mình cũng nên làm vậy'", giáo sư Broniatowski nói.
Xu hướng này kéo dài và bùng nổ trong đại dịch hiện tại. Giữa thời Tổng thống Obama và Covid-19, hai thay đổi đã xảy ra. Đầu tiên, mạng xã hội phát triển vượt trội. Thứ hai, theo nhận định của giáo sư Guidry: "Nhiều người suy giảm lòng tin vào giới khoa học và các lãnh đạo".
Như vậy, bên cạnh hình ảnh Tổng thống, chuyên gia y tế, ngôi sao giải trí, "người ta dễ lay động hơn khi thấy bạn bè, người thân đi tiêm phòng", bà Guidry nói.
"Đó là nguyên tắc cơ bản trong quảng cáo. Nó chỉ tác dụng nếu người xem thấy gần gũi", phó giáo sư Dredze nói.
Trên phương diện y tế, chúng thúc đẩy người dân ở mọi màu da, lứa tuổi, giới tính tiêm chủng, nhất là trong thời đại ai cũng có thể sản xuất và tiêu thụ nội dung truyền thông. Khi mạng xã hội thành phương tiện giao tiếp chính, hình ảnh rất quan trọng. Nó lan tỏa tin tức và trên hết là bình thường hoá các trải nghiệm mới mẻ.
Trong quá trình hướng tới miễn dịch cộng đồng, việc selfie tiêm chủng có thể là chìa khóa, theo phóng viên New York Times. Đó không đơn giản là hình thức khoe khoang về lối sống. Nó khiến đám đông ủng hộ việc chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Thục Linh (Theo NY Times)