6 tháng, với 5 triệu liều vaccine Covid-19, Singapore đã tiêm chủng cho hơn một nửa dân số.
Các nhà phân tích cho biết chiến dịch tiêm phòng đã thay đổi diện mạo của đại dịch. Đất nước dần hướng tới miễn dịch cộng đồng. Người đã tiêm vaccine khó nhiễm bệnh nặng, có thể được bảo vệ suốt đời nếu tiêm nhắc lại thường xuyên. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận trung lập, chờ đợi xem vaccine có hiệu quả và an toàn hay không.
Singapore đứng trước cuộc tranh luận liệu có nên ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng Covid-19.
Tại cuộc họp báo ngày 24/6, Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 chính thức cho phép người đã tiêm vaccine tập trung thành nhóm đông hơn và không phải xét nghiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm và xã hội học cho rằng chiến lược tiêm chủng của Singapore sẽ không có nhiều thay đổi.
Giáo sư Ooi Eng Eong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS, cho biết tiêm vaccine vẫn nên là quyết định của từng cá nhân.
"Tôi nghĩ không cần bắt buộc người dân tiêm chủng. Chúng ta nên cân bằng giữa quyền được lựa chọn và trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng", ông nói.
Eugene Tan, luật sư tại Đại học Quản lý Singapore (SMU) có chung quan điểm, rằng Singapore nên tiếp tục thuyết phục, nâng cao nhận thức về lợi ích của vaccine.
"Cần phối hợp khuyến khích, giáo dục mọi người về chiến dịch tiêm chủng. Để tăng độ tin cậy, chính phủ có thể duy trì chương trình bảo hiểm sau tiêm", ông nói. Trước đó, Singapore ban hành gói Hỗ trợ Tài chính do Tổn thương từ Vaccine.
Hiện nước này chỉ bắt buộc tiêm vaccine bạch hầu và sởi. Dù vậy, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ sơ sinh rất cao. Gần như 100% phụ huynh cho con em tiêm vaccine lao (BCG), viêm gan B bởi tính an toàn và hiệu quả của chúng sau thời gian dài triển khai.
Singapore từng lên kế hoạch tiêm phòng Covid-19 cho một nửa dân số vào tháng 8, ít nhất 75% vào tháng 10. Song do tốc độ vượt mong đợi, mục tiêu mới là hai phần ba dân số tiêm chủng đầy đủ vào ngày Quốc khánh 9/8.
Để tăng tỷ lệ tiêm chủng, giáo sư Paulin Straughan tại SMU cho rằng cần lý giải vì sao nhiều người e ngại vaccine và xoa dịu nỗi sợ của họ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý kén chọn.
Đầu tháng này, công dân Singapore xếp hàng dài tại các phòng khám để tiêm vaccine Sinovac, sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống. Theo bà Straughan, nhiều người rõ ràng vẫn e ngại với loại vaccine mới như Pfizer hay Moderna và phương pháp mRNA tiên phong.
"Họ dè dặt về nguồn gốc vaccine. Không phải họ cố chấp đâu, họ có những mối bận tâm thực sự", bà nói.
Một số người cho rằng không nên trợ cấp phí chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 từ chối tiêm chủng khi đến lượt. Giáo sư Tan Ern Ser, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định: "Mọi người nên chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nguyên tắc này công bằng hơn với những người chọn tiêm vaccine".
Song các chuyên gia không đồng tình với quan điểm này, cho rằng đây là hành vi phân biệt đối xử trong môi trường y tế. Họ liên hệ tới các bệnh nhân hút thuốc lá vẫn được chữa trị tiêu chuẩn, dù khoa học đã chứng minh khói thuốc gây tổn hại phổi và nhiều loại bệnh khác. Theo giáo sư Tan, chừng nào Covid-19 còn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, người nhiễm bệnh vẫn sẽ được chữa trị kịp thời.
"Dù có cảm thấy thế nào đối với người chống vaccine, tôi vẫn đặt trách nhiệm bác sĩ lên đầu. Điều này có thể bất công với những người khác. Nhưng một bệnh nhân mạn tính không được chữa trị cũng là bất công. Tôi đâu thể trách người ung thư phổi vì đã hút thuốc. Những người không hút thuốc mà vẫn ung thư thì sao? Nguyên nhân và hậu quả đôi khi chẳng rõ ràng", bà nói.
Tại buổi họp Quốc hội ngày 11/5, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, cho biết chi phí trung bình xử lý mỗi liều vaccine là 100 USD. Một phần đáng kể nằm ở khâu hậu cần, chẳng hạn thiết lập trung tâm tiêm chủng, huy động chuyên gia y tế. Như vậy, chi phí của toàn bộ chương trình vaccine không dưới 250 triệu USD.
Theo giáo sư Ooi, người dân Singapore được tiêm vaccine và điều trị Covid-19 miễn phí. Song điều này có nghĩa họ phải trả thuế cao hơn, do cần huy động nhiều nguồn lực. Nếu muốn tính phí tiêm chủng đại trà, cần đảm bảo giá cả không trở thành yếu tố khiến cộng đồng từ chối nhận vaccine.
Giáo sư Tan cho rằng chính phủ cần cân nhắc về vấn đề tài chính nếu đại dịch tồn tại lâu dài, virus biến chủng. Ông đề ra ý tưởng thu phụ phí sau tiêm vaccine hoặc yêu cầu doanh nghiệp trả phí tiêm chủng cho lao động.
Thục Linh (Theo Straits Times)