Trước đó, Denis Logunov, Phó viện trưởng Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaleya cho biết hiệu quả của vaccine Covid-19 có thể giảm sau khi tiêm liều thứ hai từ 6 đến 8 tháng. Ông khuyến nghị người dân tiêm liều vaccine tăng cường để duy trì độ bảo vệ chống virus.
"Hôm nay, dựa trên đề xuất của ông và các đồng nghiệp, tôi đã tiêm thêm một liều vaccine Sputnik Light. Đây được gọi là liều tăng cường", Tổng thống Putin phát biểu trong cuộc gặp mặt với ông Logunov.
Ông Putin đã tiêm liều vaccine Sputnik V đầu tiên ngày 23/3, liều thứ hai ngày 14/4. Cũng trong cuộc gặp với tiến sĩ Logunov, ông tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi mới của Nga.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko hồi tháng 10 cũng khuyến nghị sử dụng vaccine Sputnik Light để tiêm liều tăng cường cho người dân. "Khi biến thể Delta phát triển, các hướng dẫn tiêm chủng chắc chắn sẽ thay đổi. Chẳng hạn, chỉ sử dụng Sputnik Light để tiêm tăng cường. Chúng tôi nhận thấy tiêm tăng cường giúp nâng cao khả năng miễn dịch, bảo vệ sức khỏe", ông nói.
Hôm 12/11, ông Putin hối thúc Tổ chức Y tế Thế giới đẩy nhanh phê duyệt vaccine một liều Sputnik Light để bổ sung nguồn cung cho các nước đang phát triển, thu nhập thấp. Theo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), vaccine hiệu quả 93,5% khi được sử dụng ở Paraguay, tác dụng ngăn ngừa biến thể Delta là 70%. Dữ liệu cũng chỉ ra rằng Sputnik Light có độ an toàn cao, không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng.
Thử nghiệm tiêm trộn Sputnik Light và AstraZeneca, diễn ra ở Azerbaijan, cho thấy vaccine an toàn, không phát hiện tác dụng phụ hoặc ca nhiễm nCoV sau tiêm.
Giống với Sputnik V, Sputnik Light dựa trên công nghệ vector. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.
Thục Linh (Theo Republic World, Reuters)