Tiến sĩ Jenna Macciochi, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Sussex, Anh, cho biết: "Covid-19 là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Bạn không thể trở nên 'bất bại’ chỉ bằng cách thay đổi lối sống, nhưng có một số phương pháp nhỏ giúp tăng cường hệ miễn dịch (chống lại mầm bệnh nói chung)".
Về cơ bản, kháng thể không phải vũ khí duy nhất giúp ngăn ngừa nCoV. Tế bào T (tế bào bạch cầu) cũng quan trọng. Chúng có vai trò như sát thủ với mầm bệnh, sau đó các tế bào B nhanh chóng ghi nhớ và tiêu diệt virus sau này.
Củng cố các tế bào miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ cả Covid-19 và các mầm bệnh về virus vốn phát triển mạnh trong mùa đông.
Thận trọng dù ở độ tuổi nào
Thông thường, người cao tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, khi biến thể Delta lây lan mạnh, độ tuổi nhập viện và tử vong sau nhiễm nCoV đã trẻ hóa rất nhiều. Hầu hết các ca nhiễm nCoV mới tại Mỹ là người trong độ tuổi từ 20 đến 39. Nghiên cứu hồi tháng 7 của nước này trên 14.000 người trong độ tuổi từ 12 đến 17 cho thấy nhiều nam giới bị biến chứng tim mạch.
Người trẻ cũng dễ chịu những di chứng Covid-19 kéo dài từ vài tuần đến nhiều tháng sau nhiễm nCoV. Biểu hiện thường thấy là nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, tim đập nhanh, gặp vấn đề về đường tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt, co giật,...
Chuyên gia khuyến cáo người trẻ tuân thủ các quy định phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, đặc biệt là rửa tay với nhiều nước. "Tốt hơn hết là dùng nước ấm. Rửa tay với nước quan trọng hơn nhiều so với việc dùng xà phòng", tiến sĩ Ross Walton, chuyên gia miễn dịch học, cho biết.
Nếu không có sẵn xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay khô để tránh nhiễm bệnh hoặc lây truyền vi khuẩn cho người khác. Điều kiện là nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay phải đạt ít nhất 60% cồn.
Ăn chế độ Địa Trung Hải
Tiến sĩ Claire Bailey, tác giả cuốn Đường huyết và Chế độ Ăn uống thông minh, đề xuất chế độ ăn Địa Trung Hải với ít carbohydrate và nhiều trái cây, rau củ màu sắc khác nhau. Thực đơn này giúp cơ thể hấp thụ nhiều loại chất dinh dưỡng từ thực vật, chống oxy hóa và kháng viêm hiệu quả.
Nguyên lý cơ bản của chế độ ăn Địa Trung Hải là tập trung vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, trái cây, các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt), thay bơ bằng dầu ô liu, sử dụng protein động vật từ cá, trứng và thịt gia cầm. Bên cạnh đó, thực đơn hạn chế thịt đỏ, dùng nhiều loại thảo mộc và gia vị, uống rượu vừa phải, chia sẻ bữa ăn với bạn bè và gia đình.
Do điều kiện tự nhiên khác nhau, việc tìm mua các thực phẩm Địa Trung Hải ở Việt Nam có thể không dễ dàng nhưng bạn có thể bám theo những nguyên tắc trên để điều chỉnh cho bữa ăn vừa lành mạnh và phù hợp với điều kiện thực tế.
Chế độ ăn này cung cấp khoảng 1.600 calo mỗi ngày. Người dùng có thể điều chỉnh khẩu phần ăn tùy vào cân nặng và mục tiêu sức khỏe.
Mẹo để có chế độ ăn Địa Trung Hải hiệu quả là ăn theo giờ, lên thực đơn từ hôm trước, thoải mái kết hợp món chính và món ăn nhẹ bất kỳ, uống đủ nước,...
Theo tiến sĩ Bailey, bữa ăn càng nhiều màu sắc sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. "Lý tưởng nhất là ăn cả vỏ trái cây và rau quả vì chúng cung cấp chất xơ cần thiết, nuôi dưỡng lợi khuẩn đường tiêu hóa, rất quan trọng ngăn ngừa nhiễm trùng", bà nói.
Bổ sung vitamin C và D
Theo tiến sĩ Macciochi, đến nay, chưa đủ bằng chứng cho thấy vitamin C ngăn ngừa lây nhiễm cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp như Covid-19. Song nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin C giúp rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng.
"Các tế bào miễn dịch của chúng ta có nhu cầu vitamin C rất cao khi đang phải làm việc chăm chỉ đẩy lùi mầm bệnh. Vì vậy hãy bổ sung vitamin C ngay thời điểm bắt đầu có triệu chứng", tiến sĩ Macciochi nói.
Vitamin C không chỉ có trong quả cam. Bạn có thể ăn thêm trái kiwi, ớt đỏ, bưởi, súp lơ hoặc các loại nội tạng động vật.
Dữ liệu tổng hợp từ 16 thử nghiệm lâm sàng với 7.400 tình nguyện viên cho thấy vitamin D giúp giảm nguy cơ mắc ít nhất một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm, viêm phổi xuống còn một phần ba. Lợi ích của chúng biểu hiện rõ trong vòng ba tuần.
Phân tích khác, công bố năm 2017 trên Tạp chí Y khoa Anh, với 11.000 người từ 14 nước tham gia, cho thấy bổ sung vitamin D làm giảm 11% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Vitamin D có trong lòng đỏ trứng, nấm, các loại hải sản như cá, hàu, tôm,...
Ngủ đủ giấc
Theo tiến sĩ Macciochi, giấc ngủ "sạch", sâu, chất lượng là nền tảng của toàn bộ hệ thống miễn dịch. Trong quá trình ngủ, cơ thể tiết ra hormone melatonin, kích thích sản sinh tế bào miễn dịch mới.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh khuyến nghị ngủ từ 6 tiếng đến 9 tiếng mỗi đêm. Song việc duy trì lịch trình ngủ lành mạnh khá khó khăn. Tiến sĩ Guy Meadows, người sáng lập The Sleep School, gợi ý tuân thủ thói quen ngủ nghiêm ngặt, tránh dùng caffeine sau bữa trưa, uống rượu có chừng mực.
Tập thể dục hàng ngày, xây cơ bắp
Tiến sĩ Macciochi cho rằng thường xuyên vận động là là điều cần thiết để có mức miễn dịch khỏe mạnh, bởi hệ thống bạch huyết được kích thích dựa vào chuyển động cơ thể. Điều cần thiết là giúp các tế bào miễn dịch thực hiện chức năng giám sát, giúp chống lại các vi khuẩn và virus đang cố gắng xâm nhập vào bên trong mô.
Luyện sức bền giúp củng cố miễn dịch khi cơ thể già đi. "Cơ bắp tạo ra các chất hóa học hoạt động trên tuyến ức, nơi tạo ra các tế bào miễn dịch, giúp nó hoạt động khi chúng ta đã có tuổi", Macciochi giải thích. Thói quen đi bộ hàng ngày giúp trẻ hóa "tuổi miễn dịch", giữ toàn bộ hệ thống khoẻ mạnh.
Bổ sung kẽm, bánh mì bột chua và các chất xơ có lợi cho đường ruột
Cơ thể người không tự tạo ra kẽm mà chỉ hấp thu từ chế độ ăn uống. Song chất này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nhiều bằng chứng cho thấy bổ sung kẽm trong những tháng mùa đông, giúp chống các bệnh về đường hô hấp. Nguồn thực phẩm chứa kẽm là thịt đỏ, động vật có vỏ, các loại đậu, hạt và chocolate đen.
Ăn bánh mì từ bột chua (bột lên men) giúp đường ruột khỏe mạnh, hiệu quả đẩy lùi Covid-19 và nhiều loại virus khác.
"Vi khuẩn đường ruột hay hệ vi sinh nói chung rất quan trọng cho khả năng miễn dịch. Chúng giúp tiêu hoá thức ăn và tạo ra các chất chuyển hoá gọi là post-biotics (chất hậu sinh học), có ích cho hệ miễn dịch".
Thục Linh (Theo Telegraph)