Diễn tập Hán Quang kéo dài 5 ngày bắt đầu từ sáng 13/9 ở phía đông đảo Đài Loan, nơi các tiêm kích F-16V và Mirage 2000 của lực lượng phòng vệ trên không xuất kích để ứng phó chiến dịch tiến công chiếm đảo giả định.
Tại thành phố Đài Nam, phía nam hòn đảo, các binh sĩ phòng vệ Đài Loan diễn tập đối phó tình huống bị tấn công bằng vũ khí sinh hóa. Trong kịch bản diễn tập, binh sĩ trúng vũ khí sinh hóa được nhanh chóng đưa tới các bệnh viện gần đó để nhân viên y tế dân sự chữa trị, trong khi lực lượng phòng hóa mặc đồ bảo hộ dùng thiết bị tẩy rửa các phương tiện cùng trang bị tại hiện trường.
Một số thiết giáp CM-32 ngày 14/9 tham gia diễn tập chống đổ bộ bên bờ sông Đạm Thủy ở thành phố Đài Bắc. Trước đó, nhiều xe tăng và thiết giáp tham gia diễn tập hành quân chiến thuật trong đêm tại huyện Hoa Liên.
Tiêm kích F-16 của phòng vệ Đài Loan dự kiến tập cất hạ cánh trên đường nhựa tại Bình Đông, phía nam hòn đảo, nhằm chuẩn bị cho tình huống căn cứ gần đó bị tên lửa đạn đạo phá hủy.
Diễn tập Hán Quang được tổ chức thường niên từ năm 1984 trên nhiều khu vực tại đảo Đài Loan và một số hòn đảo do Đài Bắc kiểm soát. Trong cuộc diễn tập, các binh sĩ phòng vệ Đài Loan huấn luyện khoa mục ứng phó tấn công tên lửa, chống đổ bộ, tác chiến điện tử, tấn công mạng và đối phó vũ khí sinh hóa.
Phòng vệ Đài Loan năm nay tổ chức diễn tập Hán Quang sau khi quân đội Trung Quốc điều 19 máy bay áp sát hòn đảo hồi đầu tháng 9. Giới chuyên gia nhận định các đợt điều máy bay áp sát Đài Loan của quân đội Trung Quốc mô phỏng chiến dịch đánh chiếm hòn đảo. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan áp dụng chiến lược phòng thủ phi đối xứng nhằm cầm chân lực lượng của đại lục lâu nhất có thể trong tình huống nổ ra xung đột, để Mỹ hoặc các cường quốc khác kịp tới hỗ trợ.
Với chiến lược này, Đài Loan những năm qua tăng cường phát triển tên lửa tầm xa để nâng cao sức phòng thủ. Chuyên gia Tô Tử Vân tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng trên hòn đảo cho biết tên lửa là phần quan trọng nhất của chiến tranh phi đối xứng. "Chúng có giá thành thấp hơn tiêm kích hoặc chiến hạm, đồng thời tăng năng lực răn đe một cách hiệu quả", ông Tô nói.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã đề xuất bổ sung ngân sách 8,67 tỷ USD để phát triển và sản xuất loạt tên lửa tầm xa. Cơ quan lập pháp của hòn đảo dự kiến xem xét đề xuất này sau khi thông qua một đạo luật liên quan ngày 16/7.
Phòng vệ Đài Loan triển khai khoảng 6.000 tên lửa trên hòn đảo, song phần lớn có tầm bắn 40-200 km và hầu như không thể tấn công các mục tiêu bên kia eo biển. Luật tên lửa mới của đảo Đài Loan có thể thúc đẩy phát triển và sản xuất tên lửa tầm trung và tầm xa như Vân Phong, với tầm bắn 1.200-2.000 km.
Nguyễn Tiến (Theo Nikkei)