Đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2022, được trình lên cơ quan lập pháp Đài Loan tuần này, cho biết lực lượng phòng vệ trên không của hòn đảo cần một tỷ USD để bảo dưỡng và vận hành các máy bay, tăng 9,8% so với năm nay và 56% so với năm 2016, khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo.
Ngân sách đề xuất của phòng vệ trên không Đài Loan tăng vọt chủ yếu do căng thẳng hai bờ eo biển. Quân đội Trung Quốc trong hai năm qua tăng đáng kể tần suất điều máy bay áp sát đảo Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ của hòn đảo phải liên tục điều tiêm kích đối phó.
Các quan chức phòng vệ trên không Đài Loan cho biết ngân sách bảo trì, thường được lên kế hoạch trước hai năm, gần đây tăng vọt do tần suất áp sát dày đặc của máy bay quân sự Trung Quốc đại lục.
Một nguồn tin cho biết chi phí mỗi giờ bay của tiêm kích Đài Loan vào khoảng 36.000 USD, bao gồm khoản chi cho nhiên liệu, bảo trì và các hoạt động khác.
Cựu lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Nghiêm Đức Phát hồi tháng 10/2020 cho biết hòn đảo tốn khoảng 920 triệu USD khi điều tiêm kích ứng phó với tất cả đợt áp sát của máy bay quân sự Trung Quốc.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập với khí tài tối tân quanh Đài Loan, trong đó có đợt diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gần hòn đảo.
Tô Tử Vân, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh trên đảo Đài Loan, ngày 7/9 cho biết lực lượng phòng vệ hòn đảo cần được tăng ngân sách để duy trì hiệu suất hoạt động của tiêm kích nhằm đối phó với các đợt áp sát của máy bay Trung Quốc.
"Phòng vệ trên không Đài Loan cần mua linh kiện và đầu tư cơ sở mới để đảm bảo toàn bộ máy bay của mình trong tình trạng tốt", ông Tô cho biết.
Quân đội Trung Quốc 435 lần điều máy bay áp sát đảo Đài Loan trong năm nay, chủ yếu ở khu vực phía tây nam hòn đảo, cơ quan phòng vệ của hòn đảo cho biết. Trong năm 2020, Trung Quốc 380 lần điều máy bay quân sự áp sát Đài Loan.
Lần gần nhất máy bay Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan là vào ngày 7/9, bao gồm một máy bay tác chiến điện tử Y-8 và 4 tiêm kích. Lực lượng phòng vệ Đài Loan phát cảnh báo qua sóng vô tuyến và kích hoạt radar tên lửa phòng không theo dõi máy bay quân sự Trung Quốc.
Trước đó hai ngày, 19 máy bay Trung Quốc gồm 14 tiêm kích, 4 oanh tạc cơ và một máy bay tuần thám săn ngầm bay vào khu vực phía tây nam Đài Loan. Đây là đợt áp sát lớn nhất kể từ hồi tháng 6, khi quân đội Trung Quốc điều 28 máy bay quân sự tiếp cận hòn đảo từ hướng tây nam.
Các chuyên gia quân sự Đài Loan nhận định các đợt áp sát một phần để răn đe hòn đảo, song cũng nhằm mục đích để phi công Trung Quốc làm quen với đường bay tới eo biển Ba Sĩ, nơi chiến hạm Mỹ thường xuyên đi qua.
Quốc Dân đảng (KMT), phe đối lập tại Đài Loan, cho biết đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền của bà Thái Anh Văn chịu một phần trách nhiệm cho các đợt áp sát thường xuyên của máy bay quân sự Trung Quốc, do có những hành động "thúc đẩy đòi độc lập, nguyên nhân chính gây ra bất ổn thường xuyên trên eo biển Đài Loan".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)